Nhiều người Việt không tin vào quảng cáo, tiếp thị di động

Khi người dùng smartphone, tablet truy cập Internet tại Việt Nam ngày càng gia tăng, quảng cáo trên di động đang có rất nhiều "cơ" để phất. Tuy nhiên, khá bất ngờ là cho đến nay nhiều người Việt vẫn không tin vào kênh quảng cáo này, thậm chí xóa "không thương tiếc" ngay khi nhận được thông tin.

Bà nội trợ cũng dùng smartphone vào mạng mua sắm

Theo thông tin ông Vaughan Ryan, Giám đốc Quản lý quốc gia Nielsen Việt Nam chia sẻ tại sự kiện công bố kết quả dự án Khảo sát mức độ hài lòng của người dùng 3G tại 3 thành phố Hà Nội - Đà Nẵng - TP.HCM do báo Bưu điện Việt Nam và Nielsen tổ chức ngày 9/5, các xu hướng công nghệ và di động đang ngày càng tác động trực tiếp và làm thay đổi hành vi mua bán của người dùng tại thị trường Việt Nam.

Đại diện Nielsen phân tích, Việt Nam có lượng dân số trẻ (độ tuổi 35 chiếm gần 70%) yêu thích công nghệ mới cũng như các loại hình giao tiếp trực tuyến, khiến tỷ lệ người dùng Internet của Việt Nam cao hơn nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á; đồng thời tầng lớp trung lưu với sức tiêu dùng lớn cũng đang vươn lên.

Trong khi đó, số thuê bao di động ở Việt Nam đã lớn hơn nhiều so với dân số, người dùng cũng ngày càng tăng mức truy cập Internet di động thông qua các thiết bị như máy tính, smartphone, tablet (35% người dùng có cả điện thoại di động và máy tính bảng, PC, 34% người dùng Việt Nam xem ti vi qua Internet...). Thậm chí hiện nay, đến bà nội trợ cũng có thiết bị công nghệ và sử dụng thiết bị cho việc tìm hiểu hàng hóa, mua sắm.

“Có những người dành 31 giờ/tuần trên Facebook hoặc các trang mạng xã hội, thậm chí mạng xã hội còn được bật thường xuyên trên máy tính, smartphone của người dùng”, ông Vaughan Ryan nói.

Ngoài ra, đặt trong bối cảnh hiện nay, truyền miệng trực tuyến đang ngày càng tỏ rõ sự quan trọng trong vấn đề ra quyết định của người tiêu dùng. Cụ thể, Nielsen chỉ ra rằng khảo sát gần đây của hãng này cho thấy có tới 57% người dùng đọc bình luận trực tuyến của người dùng khác về sản phẩm điện tử trước khi mua, 40% đọc bình luận về sản phẩm may mặc... 42% không chỉ xem thông tin của người khác mà còn viết bình luận và tới 63% có xu hướng tin vào ý kiến của người tiêu dùng đăng tải trực tuyến. Ông Vaughan Ryan cho rằng đây là điều rất đáng lo ngại bởi các bình luận trên mạng xã hội khó kiểm chứng xác thực.

Mạng xã hội cũng đang tạo điều kiện cho người tiêu dùng kết nối với các công ty, nhãn hàng khi hiện nay có khoảng 79% người dùng Việt Nam tham gia fanpage của các công ty, nhãn hàng trên Facebook.

Cách nào để doanh nghiệp không bị mất cơ hội?

Từ thực trạng trên, đại diện Nielsen Việt Nam cho rằng, vấn đề quan trọng đang được đặt ra hiện nay với các nhà quảng cáo, đơn vị sản xuất nội dung đó là làm thế nào để có thể kết nối hiệu quả hơn với người tiêu dùng. “Các doanh nghiệp quảng cáo trên di động, Internet liệu đã bắt kịp nhịp độ sử dụng smatphone hiện tại chưa? Đã tạo những sản phẩm riêng cho smartphone, tablet hay chưa?”, ông Vaughan Ryan nói đồng thời nhấn mạnh: "Đặt trong sự bùng nổ các kênh quảng cáo trực tuyến năm 2012, 69% nhà sản xuất kinh doanh cho hay dự kiến sẽ chi cho quảng cáo online và 31% sẽ tăng cường quảng cáo di động".

Trong khi đó, tại thị trường Việt Nam, đối với quảng cáo trên điện thoại di động, tỷ lệ tiếp xúc với quảng cáo hiện chỉ vào khoảng 12% (theo khảo sát của Nielsen trong 30 ngày qua) và trong số đó, 29% sẽ xóa đi, 21% không có phản ứng gì - Tức là ở mức rất thấp.

Chính vì vậy, đưa ra lời gợi ý cho hướng đi của các doanh nghiệp quảng cáo di động, Internet tại Việt Nam trước thực trạng còn nhiều hạn chế như đề cập nêu trên, Giám đốc Quản lý quốc gia Nielsen Việt Nam nhấn mạnh: Đặt trước xu hướng công nghệ và di động đang ảnh hưởng đến hành vi mua hàng và định hình lối sống của người tiêu dùng, để tận dụng hiệu quả cơ hội quả cơ hội quảng cáo qua điện thoại, các doanh nghiệp cần phải hiểu người dùng smartphone cũng như hành vi của họ, biết cách kết nối chặt chẽ hơn với khách hàng.

"Các chiến lược cần được xây dựng mang tính lâu dài, từ 6 tháng trở lên, thậm chí tới vài năm", đại diện Nielsen Việt Nam nói. 

Đối với các kênh quảng cáo cần có định dạng cho phù hợp với từng loại thiết bị, không thể có chuyện như người dùng sử dụng smartphone nhưng lại truy cập vào giao diện của máy tính.
“Ví dụ, Việt Nam có hơn 40 ngân hàng đang hoạt động nhưng chỉ có 6 ngân hàng có những ứng dụng dành riêng cho smartphone. Đây là một trong những thực tế khiến cho Việt Nam chỉ có 4% người sử dụng dùng smartphone để giao dịch ngân hàng, sử dụng dịch vụ Internet, Mobile Banking - tỷ lệ rất thấp nếu so với quốc gia như Hàn Quốc có tới 51% người dùng”, ông Vaughan Ryan bày tỏ.

Theo ICTNews

Chia sẻ bài này

Xem thêm

Nhiều người Việt không tin vào quảng cáo, tiếp thị di động
4/ 5
Oleh
Loading...