Do sự bố trí địa hình phức tạp, có nhiều đoạn cua gấp khúc, lòng sông rộng nên đến mùa mưa lũ, nước từ thượng nguồn đổ về rất lớn. Trông dòng nước hung hãn như sẵn sàng nuốt chửng vào lòng mình tất cả những chướng ngại vật mà nó gặp phải. Tên con sông cũng bắt nguồn từ đây, Đăk Bla theo nghĩa của người Ba Na: Đăk là nước, Bla là hung hãn, tấn công.
Thấp thoáng những ngôi làng nhỏ ẩn hiện bên thượng nguồn Đăk Bla là các buôn làng của người Ba Na: Làng KonKơTu, KonJơRi, KonKlor…với sự duyên dáng nổi bật qua những mái nhà Rông cao vút, sự thân thiện thể hiện qua những nụ cười đâu đó của các thiếu nữ đang gùi nước về buôn hoặc các em nhỏ vẫy tay chào khách tận mãi cuối con đường làng. Nơi đây bao thăng trầm của lịch sử đã xảy ra, đã đi qua nhưng còn đọng lại mãi mãi là lòng hiếu khách vô vị lợi như một bản năng ngàn đời vẫn còn mãi…
Người Ba Na là một trong sáu dân tộc sống lâu đời ở đây, cuộc sống của họ ngày trước chủ yếu là săn bắt, hái lượm và trồng trọt. Do trình độ kỷ thuật canh tác nương rẫy còn đơn giản, thô sơ, phần lớn phụ thuộc vào thiên nhiên nên năng suất rất thấp.Thường thì khi những rẫy mới khai phá, đất đai còn tốt, khi gieo trồng gặp thời tiết thuận lợi thì năng suất lao động tương đối cao. Những năm hạn hán kéo dài thì thu hoạch thấp kém. Do vậy, tuy cần cù chịu khó nhưng nguồn lương thực canh tác từ nương rẫy thường không đảm bảo nhu cầu cuộc sống. Ngày nay, nhờ cuộc vận động, giúp đỡ của các cấp, ngành, người Ba Na đã no cơm, ấm áo, họ đã làm tốt kỷ thuật làm lúa nước, trồng mía, trồng sắn cao sản và trồng các loại cây công nghiệp dài ngày như cao su, bời lời và chăn nuôi gia súc.
Thành quả lao động trước đây hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên, họ lấy mỗi hiện tượng của tự nhiên để lý giải những điều huyền bí, làm chỗ dựa cho linh hồn của mỗi người, mỗi dòng tộc và mỗi cộng đồng.
Với quan niệm vạn vật hữa linh đó nên họ có rất nhiều thần, tốt có, xấu có, tất cả đều rõ nét và được gọi chung là Yàng. Nhưng thường ngày người Ba Na gọi thần một cách cung kính là Ông Bốc và Bà Dạ, Bốc kơi đơi và Dạ cung ké được xem như hai vị thần tối cao sáng tạo ra vũ trụ và muôn loài.
Trong các vị thần được nhắc đến nhiều phải kể đến thần Sấm sét (Bôkglaih), thường xuất hiện dạng con dê xồm hay ông già hai tay đầy lông lá, ngủ suốt mùa khô, đến mùa mưa thức dậy đi khắp mọi nơi điều khiển mưa thuận, gió hòa, trừng trị những người loạn luân và Ông cũng được gọi là thần chiến tranh. Dạ Apom hay Dạ xơ kiar là nữ thần đầy lòng thương người, hay cứu giúp những người gặp hoạn nạn, là nữ thần chuyên việc giã gạo và giữ cho Cây đa ở Cung trăng khỏi đổ. Yàng Xri (Thần lúa) là cháu gái của thần sấm sét, hình dáng xấu xí ẩn trong con nhện hoặc con cóc ở nương rẫy hay đồng ruộng, nhà kho, chuyên ban phát thóc lúa cho con người.
Ngoài ra còn thần nước(Yàng Đak), thần núi (Yàng Kông) là những vị thần đòi người ta cúng lễ thì mới phù hộ. Dạ Nôn và Dạ Câu(Bà thiện và Bà ác) đã đỡ đầu cho các phù thủy.Yang In là vị thần trẻ tuổi hay lấy người đàn bà chết khi sinh nở. Dạ Tra Sơ Ba thích những người đàn ông chết bất đắc kỳ tử. Còn nhiều thần linh nữa như Bốc Kha (Thần cọp), Bốc Roih (Thần voi), rồi Thần cây si, cây đa và các loại cây khác. Thần ché, Thần bảo hộ bản thân, dòng họ hay cộng đồng.. .Tưởng chừng như quanh họ là thế giới thần linh.
Mặt khác, việc quan niệm về linh hồn và thế giới người chết cũng là nét đặc trưng trong đời sống tâm linh của họ. Người Ba Na cho rằng, hồn người chết đi thì thành ma, ma người chết bình thường không làm hại người, chịu yên bề với cuộc sống của mình, ma chỉ đòi hỏi, vòi vĩnh người thân khi không được chăm sóc tử tế. Lúc đó người chết không bình thường, lang thang đây đó. Để ngăn cản những hồn ma không làm hại người, Người ta thường chôn cất người chết xa làng hoặc nhờ đến phép thuật của phù thủy (Bơ dâu)…
Nói chung tín ngưỡng dân gian của người Ba Na thông qua những hình thức lễ hội, cúng tế đều quy về mục đích cầu mong điều thiện, điều tốt và đẩy lùi điều ác. Các lễ hội, truyền thuyết và thần thoại là cả một kho tàng văn học phong phú, sinh động và đầy tính nhân văn cũng như tinh thần thượng võ.
Một trong những truyền thuyết đầy thú vị được hình thành và lưu truyền trong cộng đồng các làng sống dọc dòng Đăk Bla. Đó là câu chuyện về chàng trai J’Lưng và nàng Brai con gái của một tộc trưởng Lào. Chàng traiJ’Lưng sống ở khu vực thượng nguồn sông Đăk Bla còn nàng Brai sống ở vùng JaRai (làng Weh). Trong buổi gặp gỡ đầu tiên tại làng của nàng Brai, hai người đã phải lòng nhau và yêu nhau say đắm.
Nhưng vì mặc cảm trước sự giàu có của gia đình nàng Brai, chàng J’Lưng đành phải quay về và Brai đã theo chàng đến mãi khu vực ngày nay là xã Đăk Rơ Wa. Đến đây, nàng biết rằng không thể nào thuyết phục được chàng nên nàng đành quay trở lại làng mình. Từ đó vùng này có tên là Đăk Rơ Wa, trong tiếng Ba Na có nghĩa là quay trở lại.
Để mở rộng diện tích canh tác cho các làng người Ba Na ở phường Thắng Lợi và Thống Nhất. Ngày 03/02/1993, cầu treo Kon Klor được khởi công và ngày 19/05/1994 đã hoàn thành, dài 292m, rộng 4,5m. Từ khi có cây cầu này, điều kiện sinh hoạt và diện tích canh tác của nhân dân trong vùng phát triển hẳn lên vì sự thuận tiện trong giao thông, chuyên chở. Còn xã Đăk Rơ Wa phía bên kia cầu, ngày một triển vọng khởi sắc về kinh tế, giáo dục, y tế, vấn đề an sinh luôn được xã đề cao và quan tâm đúng hướng…
Tiếp tục xuôi dòng khoảng vài cây số, là chiếc cầu nối liền với quốc lộ 14 – Cầu Đăk Bla dài 174,45m, rộng hai làn xe chạy. Xây dựng 02/11/1991 và hoàn thành 02/09/1992.
Đây là cây cầu quan trọng nhất đối với tỉnh Kon Tum, nằm vào vị trí cửa ngõ của thành phố, được trang trí hình ảnh cồng chiêng dọc lan can, để gợi lên sắc thái Tây Nguyên như lúc nào cũng sẵn sàng tấu lên một điệu nhạc rộn rã thay cho lời chào mừng khách phương xa đến với thành phố trẻ Kon Tum.
Bên tả là Ngục Kon Tum – Di tích lịch sử của cuộc kháng chiến chống Pháp, nơi đã từng giam giữ các chiến sĩ Cách mạng, nay được tôn tạo để ngàn đời noi gương và tưởng nhớ. Vào thăm Ngục, chúng ta sẽ bắt gặp ngay hai ngôi mộ chung đặt song song.
Tất cả chỉ có thế nhưng ẩn chứa bên trong là một kỳ tích anh hùng: Ngày 12/12/1931, thực dân Pháp và tay sai dưới sự chỉ huy của viên đội Moulec, đã buộc 40 tù chính trị, đa số là những chiến sĩ Cộng sản bị đàn áp trong phong trào Xô Viết – Nghệ Tĩnh, đi lao động khổ sai, làm đường ở vùng Đăk Pét, một nơi nổi tiếng là rừng thiên, nước độc, mà trong cuộc đi trước 295 người tù khi về chỉ còn 80 người sống sót.Vì vậy, toàn bộ tù chính trị đã đấu tranh không chịu đi.
Lính Pháp và tay sai đã nổ súng đàn áp dã man làm cho 8 người tù bị chết và 8 người tù bị thương. Sau vụ đàn áp đó, tinh thần các chiến sĩ cách mạng dâng cao và họ đã thực hiện cuộc biểu tình tuyệt thực từ ngày 12-16/12/1931 để chống đối thực dân Pháp và tay sai. Thế là cuộc đấu tranh đẫm máu đã xảy ra lần thứ hai: Vào lúc 07 giờ sáng ngày 16/12/1931, các sĩ quan Pháp và tay sai súng đạn đầy đủ, chĩa súng vào nhà lao. Anh giáo Thuyên – một người tù trông thấy chúng liền đứng dậy la lớn “Anh em ơi ! Chúng đến đây rồi”, vừa nói dứt câu, người tù dũng cảm đã ngã xuống, anh đã bị bắn chết ngay lập tức.
Tiếp đến, bọn sĩ quan và binh lính đã nã đạn không thương tiếc vào trong nhà lao, làm 07 người chết và 07 người bị thương. Sau khi đàn áp, lính Pháp mang thi hài các chiến sĩ ra chôn chung trong một cái hố. Sau khi đất nước thống nhất, chính quyền địa phương đã quy tập, tôn tạo, chỉnh trang lại, xây thành hai ngôi mộ gần nhau. Một ngôi của các chiến sĩ tù phạm hi sinh trong cuộc đấu tranh lưu huyết ngày 12/12/1931, một ngôi mộ của các chiến sĩ tù phạm hi sinh trong cuộc đấu tranh tuyệt thực ngày 16/12/1931 như đã có hiện nay.
Nhìn sang phía bên trái là làng Phương Hòa, như mỗi làng mỗi tên của người Việt. Phương Hòa, miền đất của những con người hiền hậu… Hữu ngạn là nhà máy đường Kon Tum, đây là nhà máy có quy mô lớn, được xây dựng vào ngày 31/08/1995 và cơ bản hoàn thành vào cuối năm 1996. Cuộc sống ở đây thật sự nhộn nhịp, sôi động hẳn lên khi vào mùa thu hoạch mía, hàng trăm công nhân ngày đêm miệt mài làm việc. Hoạt động của nhà máy đã giải quyết phần nào về công ăn việc làm cho các cư dân trong vùng.
Dọc theo bờ hữu ngạn là các làng: PleiTơNghia, PleiDon, KonRơBàng, KonHngorKoTu…( làng cây cầy, làng gò cao, làng đất bằng, làng hoang…). Như gợi lại một thời xa xưa khi rừng còn rậm rạp phủ kín toàn miền này với dã thú… Đến đây ta có cảm giác như đang nghe đâu đây những bản trường ca người khổng lồ xây núi, đào sông và những tiếng hú vang dội cả núi rừng, tiếng rì rầm như lời cầu nguyện cho vụ mùa tốt tươi… Tất cả những điều đó được lưu truyền từ mái nhà Rông cao vút, từ phong tục, từ tấm lòng hiếu khách của người Ba Na Rơ Ngao. Đến với nhà Rông là ta đang đến với những điều đơn sơ hiện tại pha với nét thần thoại từ ngàn xưa hiện về.
Qua khỏi vùng người Ba Na định cư, đất chợt chuyển màu từ màu trắng sạch sẽ sang màu đỏ Bazan nồng nàn màu mỡ cùng lúc với nhịp chảy của dòng sông đưa ta vào vùng Yachim, vùng của người ARáp – một nhóm địa phương của người JaRai.
Sở dĩ có tên gọi ARáp vì tại khu vực cư trú của họ có một ngọn núi cao, tên của ngọn núi lớn đó được gọi theo tên của con voi ARáp thiêng có 04 ngà mà các huyền thoại của người JaRai hay nhắc đến.
Trong cuộc sống đời thường, người JaRai rất chân thật và chất phác, vào thăm làng của họ, ta sẽ thấy được lòng mến khách và “Lắm lời” với các lễ cúng lúa, tế thần mùa màng, cử kiêng, làm ta nhớ lại một thời hồng hoang mà vết tích còn lại qua các cây nêu như một gợi nhớ tượng trưng cho những nét sinh hoạt xa xưa hơn là một tín ngưỡng. Đặc biệt đến đây ta sẽ bắt gặp nhiều làng có quần thể kiến trúc nhà mồ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đối với họ, chết là chuyển từ hình thức sống sang một cõi khác, một thế giới khác nên cảm xúc của họ trong đám tang không chỉ khóc lóc, tiếc thương mà còn bày tỏ sự tin tưởng, niềm hy vọng rằng người chết được tiếp tục tồn tại trong thế giới khác chứ không phải hoàn toàn mất đi.
Một trong những cách bày tỏ niềm tin ấy được bộc lộ rõ nét qua thời gian trước lễ bỏ mả (Nhum pơ thi): Khi chôn cất người chết xong, họ tin rằng người chết chưa đi xa, vẫn còn hiện hữu nơi mồ, vẫn còn cần thiết những nhu cầu thường ngày như người sống, nên người thân thường đem cơm, nước, thuốc hút, trái cây đến đặt trên phần mộ người chết và thăm viếng thường xuyên.Trong tang lế, những người thân của người chết thường hứa với người chết và cộng đồng rằng vào một thời điểm trong tương lai sẽ làm lễ bỏ mả, thời gian đó có thể là 03 năm hoặc 20 năm sau tang lễ. Điều này bắt nguồn từ các lý do sau: Người chết có đủ thời gian để không còn lưu luyến cõi sống; người sống cảm thấy an lòng vì đã có thời gian chăm sóc người chết, người sống có đủ điều kiện kinh tế để làm lễ Nhum pơ thi.
Trong lễ này, nội dung mang hình thức lễ hội nhiều hơn là tiếc thương, vì người sống tin rằng sau lễ này người chết đi về một thế giới khác, cách ly hoàn toàn với cõi sống mà nơi đó đêm là ngày của cõi sống và ngược lại.Và trong lễ này cũng có một nghi thức hết sức ý nghĩa, đó là “ giải phóng” người góa hết thời gian tang chế và họ có thể có thêm người phối ngẫu nếu họ muốn.
Rời vùng đất của người JaRai, ta tiếp tục xuôi theo dòng nước. Đập vào mắt là tập hợp đủ các gam màu xanh đa dạng: Nào là xanh thẫm của rừng cao su, cà phê, xanh non của lúa rẫy, xanh biên biếc của những ruộng ngô, xanh bạc của sắn và thấp thoáng xa xa là những ngôi làng định cư của vùng bán ngập lòng hồ Plei Krông. Tất cả như một bức tranh thủy mặc tạo nên cảm giác yên bình no đủ của một vùng.
Chưa kịp để lý trí quay về với thực tại, trước mặt hiện ra một lòng hồ rộng lớn mênh mông, trời với nước pha lẫn một màu xanh êm dịu. Ta đang về thăm công trình thủy điện Ya Ly. Được khởi công xây dựng 04/11/1993 và cơ bản hoàn thành ngày 27/04/2002.
Với công suất 720MW, điện lượng bình quân 3,68 tỷ KWH/năm, đã hòa vào mạng lưới điện quốc gia, thắp sáng mọi vùng miền tổ quốc. Đến với công trình mới thấy được ý Đảng, lòng dân đồng lòng nên mới tạo ra một công trình lớn của thập kỷ 90 và là công trình thỏa mãn khát vọng của người dân Tây Nguyên.
Dòng Đăk Bla tiếp tục chảy, hòa mình vào dòng sông Mê Kông huyền thoại. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, lại reo vui khi được quay về dải đất mẹ thân thương, mang phù sa bồi lấp cho những cánh đồng thêm tươi tốt và tưới mát vựa lúa đồng bằng Sông Cửu Long trước khi hòa mình vào biển lớn.
Theo Tường Lam (web KTO)
Du lịch, GO!
Ngoạn cảnh dòng Đắk Bla
Chia sẻ bài này
Xuôi dòng Đăk bla
4/
5
Oleh
Unknown