Vượt đèo Gió, thăm đá cổ

(ANTĐ) - Quốc lộ 279 đoạn qua huyện Quang Bình, Hà Giang là một cung đường hiếm có bởi nó là đoạn hiếm hoi được tạm gọi là bằng phẳng, không lên dốc xuống đèo. Tuy nhiên, từ trị trấn Yên Bình, rẽ lên phía Bắc rời đường 279 để đến thị trấn Cốc Pài, huyện Xín Mần thì cung đường hoàn toàn đổi khác.

Đèo Gió như bức tường thành dựng đứng chặn giữa con đường như để bảo vệ, gìn giữ những điều bí ẩn ở vùng đất hoang sơ, xa ngái này. Nơi còn ẩn giấu những điều bí ẩn nhất của vùng cao, của con người vùng cao. Ấy chính là Bãi đá cổ Nấm Dẩn, một bãi đá có niên đại khoảng hơn 1.000 năm mà cho đến nay, những bí ẩn xung quanh các hình vẽ khắc trên đá vẫn chưa có lời giải đáp.

Bãi đá cổ Nấm Dẩn nằm giữa dãy núi Tây Ðản phía Bắc và vùng đồi núi thấp Nấm Dẩn ở phía Nam, ngay bên bờ suối Nậm Khoòng. Một con suối nhỏ chảy chen vào giữa các khe đá lớn tạo thành nhiều con thác nhỏ thơ mộng. Các ghềnh đá chảy xiết bởi độ dốc cao tạo nên âm thanh thay đổi, khi róc rách lúc lại rì rào khẽ như tiếng mưa. Bản nhạc suối trộn với âm thanh cây lá và tiếng gió vi vu của con đèo tạo nên hòa tấu vô cùng sinh động.

Nấm Dẩn theo tiếng Nùng có nghĩa là khu vực nguồn nước, vị trí nơi đầu con suối. Khu vực bãi đá cổ Nấm Dẩn còn có một tên gọi khác là Nà Lai Shứ (ruộng nhiều chữ). Nơi các nhà khảo cổ đã phát hiện 7 phiến đá lớn có chạm khắc với niên đại khoảng hơn 1.000 năm và 2 di tích cự Thạch (đá lớn) có niên đại khoảng 2.000 năm.

Trong toàn khu vực xã Nấm Dẩn có bốn tảng đá chạm khắc hình vẽ cổ nhưng tảng đá ở thôn Nấm Dẩn có nhiều hình vẽ được chạm khắc nhất với tổng số 79 hình gồm:

40 hình tròn, 2 hình chữ nhật, 1 hình vuông, 6 hình hồi văn hình vuông, 2 hình hồi văn hình tròn, 6 hình vạch khắc song song giống như bậc thang, 5 hình biểu tượng sinh thực khí nữ, 2 hình bàn chân người, 4 hình người trong tư thế giơ hai tay, dạng hai chân, một số hình như mô tả ruộng bậc thang, đồi núi, còn lại là những hình với nhiều hình thù khác nhau. Dulichgo

Theo các nhà nghiên cứu, di tích cự thạch tại Nấm Dẩn có thể liên quan đến tục thờ Thần Đá của các cư dân tiền sử ở đây. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giả thiết. Dulichgo

Bãi đá cổ Nấm Dẩn là di tích được các nhà chuyên môn quan tâm, nghiên cứu. Giá trị nghiên cứu khoa học của chúng rất cao bởi hầu như chưa có sự xâm hại của con người. Di tích hầu như còn được bảo tồn nguyên trạng.

Thong thả bước chân trên những bậc đá dọc theo dòng suối Nậm Khoòng, du khách sẽ đến khu vực trung tâm bản Nấm Dẩn, nơi có những phiến đá chữ kỳ lạ và bí ẩn. Thỉnh thoảng, bắt gặp những phiến đá bằng phẳng như tấm phản lớn nằm bên bờ suối. Dừng chân, thả hồn bên suối ngắm nhìn phong cảnh thiên nhiên như một bức tranh sơn thủy. Thả chân bên dòng suối mát để thư giãn trước khi tiếp tục bước phiêu bồng. Qua chặng đường chừng hơn nghìn mét với vài trăm bậc đá, qua những thôn bản với nếp nhà sàn vương khói sương, bãi đá cổ Nấm Dẩn sẽ đem đến du khách những điều ngạc nhiên thú vị, đầy bí ẩn khơi gợi trí tò mò.

Theo Vũ Thanh (An Ninh Thủ Đô)
Du lịch, GO!

Nguyên sơ bãi đá cổ Nấm Dẩn (Hà Giang)
Đến thác Táng Tinh và Bãi đá cổ Nấm Dẩn

Chia sẻ bài này

Xem thêm

Vượt đèo Gió, thăm đá cổ
4/ 5
Oleh
Loading...