Chợ quê ngày Tết

Một mái đình nho nhỏ, những sạp hàng đơn sơ, những gánh rau, mớ tép, thoảng trong gió mùi bánh đúc xen lẫn mùi mắm tôm,… phiên chợ quê luôn có sức lôi cuốn diệu kỳ. Đây cũng là nơi còn lưu giữ được những nét đẹp rất xưa trong truyền thông văn hóa dân tộc. Vào những ngày cuối năm, được đi một phiên chợ quê mới cảm nhận hết được không khí xuân đang về.

Một chợ phiên quê xưa.

Ngày nay, khi cuộc sống của người dân có nhiều đổi khác, ngày càng ấm no hơn, sung túc hơn, các siêu thị, trung tâm thương mại mọc lên ngày càng nhiều nên phiên chợ quê cũng dần thay đổi, mang tính chất thương mại cao hơn, nhưng những nét cổ xưa, đặc trưng cũng không vì thế mà nhạt phai theo năm tháng.

Những buổi chợ họp nơi làng quê với những thứ bán mua đều từ đồng nhà, ao nhà, vườn nhà mà ra; còn kẻ bán người mua cũng quanh đi bà cô, quanh lại bà dì, kẻ trong làng, người ngoài tổng đã là nét đẹp văn hóa bên lũy tre làng. Dẫu là thời “đòn gánh tre chín rạn đôi vai” hay khi người nông dân đi chợ, ra đồng vù vù xe đạp, xe máy thì những cái chợ họp dưới cổng làng, bên gốc đa, cạnh chân đê vẫn là nơi gặp gỡ, trao đổi những sản vật nhà nông, những kinh nghiệm làm ăn, và cả niềm vui, nỗi buồn của bà con lối xóm. Còn người mua thì:

“Bạn hàng thân mẹ quen cha
Áo nâu nón lá gần xa tìm về”.

Chợ vì thế trở thành nơi cuốn hút bao người trong làng ngoài tổng, không chỉ các bà các chị cắp mớ tôm, con cá, đấu cám, mẻ ngô, bó rau, rổ khoai ra chợ, mà cả những ông đi giậm, đi lưới vừa từ dưới kênh mương, sông hồ lên chân còn lấm, áo quần còn ướt cũng cứ thế quẩy lưới, vác giậm đi thẳng vào chợ đổ tôm, cá ra ngồi bán. Chợ là bức tranh thu nhỏ của đời sống nông thôn, nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng mà có lẽ không vùng miền nào ở nước ta không có. Thế nên, từ lâu chợ quê đã trở thành nguồn cảm hứng của nhiều nhà thơ, Vũ Đình Liên, Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ, Hoàng Trung Thông đều có thơ về cái chợ nơi thôn dã với những góc nhìn khác nhau, người khắc họa ông đồ, người đặc tả phiên chợ tết.
Những năm gần đây, không chỉ gắn bó với người dân ở nông thôn, chợ quê còn là miền ký ức mà những người đang sống xa quê luôn hướng về. Nét chung của những phiên chợ quê trong tâm thức của những người con xa xứ ngoài hơi thở của ruộng đồng là cái nghèo, cái khó đeo bám nên bản tính tằn tiện, chắt bòn vẫn là ký ức tha thiết nhất, khôn nguôi nhất:

“Ruộng vườn mưa nắng héo hon
Mẹ già áo vá, chắt bòn từng xu”.

Người nông dân khi đến với chợ quê với hàng hóa là những thứ do chính mình một nắng hai sương làm ra, nhưng lúc ra về thì cái thúng, cái mủng lại nhẹ tênh, chẳng còn thứ gì đáng giá, họa chăng chỉ có ánh trăng trên đầu ngọn tre:

“Bán đi những thứ dãi dầu
Đem về trăng rắc sáng đầu ngọn tre”.

Đây là những sản vật do chính những người một nắng hai sương trên ruộng đồng, vườn tược thu gom mang ra bày bán trong “Chợ quê” của nhà thơ Hà Cừ:

“Chợ quê con tép cũng gầy
Con cua, con cá dính đầy bùn tươi
Mớ rau muống, mớ mùng tơi
Quả bầu, quả bí nói lời gió sương”.

Còn đây là cái “Chợ quê” bán thứ nhà quê trong thơ Nguyễn Đức Mậu:

“Chợ quê bán những rau dưa
Trầu không mới hái, chuối vừa chín cây
Chợ quê bán những khoai tây
Bán đôi lợn giống, bán bày gà con”.

Còn Đào Trọng nhìn nhìn những sản vật bày bán trong chợ lại nghĩ ra đến cả ngoài đồng, hay người nuôi trồng ra các thứ sản vật ấy thì cũng thế:

“Chợ quê gom cả hương đồng
Chè xanh rượu bắp khoai trồng đất pha
Mớ rau nải chuối quả cà
Con cua ngoài ruộng, bông hoa trong vườn”.


Nhưng thường những cái chợ quê không họp cả ngày, mà chỉ họp một chốc lát, có mớ rau, con cá mang ra bán cho nhanh cho chóng rồi về còn ra làm đồng. Âu cũng là một thói quen của người nhà quê luôn tiếc công tiếc việc, nên khi đến chợ cũng mua vội bán vàng như Nguyễn Siêu Phàm phần nào đã cho người đọc thấy đức tính tốt đẹp ấy của người nông dân:

“Bán thì vội bán, mua thì vội mua
Thói quê tất tả bốn mùa
Gánh rau bán đứng, trái dưa bán ngồi”.

Song chợ quê không chỉ bán mua các sản vật, dù là sản vật người nông dân trong làng ngoài xã làm ra, hay từ nơi khác mang đến, mà có lẽ chợ quê còn là chợ ẩm thực mang đậm chất văn hóa làng quê, chợ quê còn hấp dẫn, đông vui ở những hàng quà, hẳn là bánh đa, bánh đúc: 

“Chen chân xúm xít dãi dề
Chỗ này xì xụp, chỗ kia dập dìu”.

Vui thế, ngon thế nên đến cả người ở phố cũng mê chợ quê, thèm quà quê:

“Rủ nhau vào chợ mà xem
Tự dưng người phố lại thèm quà quê”.

Hương vị chợ quê còn hấp dẫn thực khách bởi mùi mắm tôm, dân dã, mộc mạc nhưng cũng thật thanh tao:

“Hôm nay trời trở gió nồm
Chợ quê bánh đúc mắm tôm dậy mùi”.

Chợ quê không chỉ là nơi mua bán, đổi trao mà còn là nơi gặp gỡ, hẹn hò của bao trai thanh gái lịch, và cả những người từng một thời lấy phiên chợ quê là nơi san bớt niềm đau, nỗi sầu. Nhiều người đi chợ với tâm trạng bâng khuâng, như muốn sẻ chia với bao người đến vui chợ, chơi chợ, tìm lại kỷ niệm, và cả ước mơ, nếu không muốn nói là hão huyền, chỉ có những phiên chợ quê mới có:

“Người ta đếm chục đếm trăm
Tôi đi gom những dấu chân hững hờ
Chợ Viềng ai biết đông thưa
Vui đi nẻo nữa sang trưa còn mình
Lòng người nhuộm mấy cho xanh
Bao nhiêu cái được để thành tay không”.

Hay là úp mở kiểu như người con gái trong một phiên chợ Viềng (Nam Định):

“Em đi chơi chợ không tiền vẫn đi
Chợ xuân em chẳng mua gì
Chỉ mong gặp một người đi chợ Viềng”.


Từ bao đời nay, cái chợ đã là bức tranh thu nhỏ xã hội nông thôn Việt Nam, dù người ở quê hay người đi đâu xa, thậm chí ra tận nước ngoài, thì hình ảnh cái chợ quê vẫn luôn in đậm trong lòng với biết bao kỷ niệm tâm tình, biết bao sản vật, và cả những món ăn, mà chỉ có nơi chợ ấy, ở vùng miền ấy mới có. Nói như nhà thơ Hà Cừ thì chợ quê như đốm “lửa thiêng”:

“Chợ quê - một đốm lửa thiêng
Chảy trong tôi suốt chặng đường ngày xưa”.

Về quê đi chợ ngày Tết, nhiều người xa quê hương như tìm lại kỷ niệm xưa có biết bao nhiêu thứ để nhớ… Quê tôi nằm ven dòng sông La, ba, bốn xã cùng họp chung một chợ ven đê, người dân quen gọi là chợ Trổ, cũng là những sạp hàng nho nhỏ, những gánh hàng do người nông dân tự làm ra nhưng được đi chợ theo mẹ là cả một niềm hạnh phúc lớn lao đối vỡi lũ trẻ nghèo quê tôi. Tôi còn nhớ như in những ngày giáp Tết, tôi được mẹ cho đi chợ Tết, xúng xính trong bộ quần áo mới mà mẹ dành dụm cả năm trời mới mua được là cảm giác say sưa với hàng kẹo kéo và thích thú với trò nặn tò he những hình rực rỡ như: Con gà, Tôn ngộ không, bông hoa hồng, cô gái mặc áo mớ ba mớ bảy… được nặn bằng thứ bột dẻo quẹo có pha tẩm phẩm xanh, đỏ, tím, vàng… Được hít thở những mùi hương rất riêng của ngày Tết, đó là mùi của hoa quả ngày Tết, mùi của hương trầm ngào ngạt, mùi của lá dong giềng…và đặc biệt đến với chợ Tết là không thể quên được mùi hương của cây mùi già…

Đến với chợ quê ngày Tết, ta như tìm về những kỷ niệm xưa, với nét văn hóa đã ăn sâu vào ký ức của mỗi người, nó là nơi thể hiện một phần đời sống của người dân, về cuộc sống thanh bình, yên ả, mộc mạc, giản dị. Sự tấp nập, nhộn nhịp của chợ quê ngày cuối năm vừa cho ta thấy những nét đẹp xưa, vừa chứng tỏ một phần không thể mất trong tinh hoa văn hóa dân tộc của người Việt Nam. Để rồi, những ngày cuối năm, trong lòng vẫn luôn náo nức, rạo rực muốn hòa vào không gian đặc trưng của chợ phiên ngày Tết, lại thấy thích thú với hương vị ngày Tết, để cảm nhận sâu sắc hơn sự giao hòa giữa đất trời, vạn vật khi mùa xuân đang về, lung linh và tràn đầy sức sống.

Theo BÌNH NGUYÊN / honglinh.gov.vn

Chia sẻ bài này

Xem thêm

Chợ quê ngày Tết
4/ 5
Oleh
Loading...