Không phải ngẫu nhiên vào thập niên tám mươi của thế kỷ trước khi đặt chân lên mảnh đất Hoài Ân thân yêu từng bị bơm cày, đạn xới trong chiến tranh, nay đang hồi sinh tươi đẹp, nhạc sĩ Châu Đức Khánh đã ngợi ca:“Hoa chè nở trong đêm/Hát lời hương dịu hiền…”
< Vườn chè ông Nguyễn Hữu Cầu khôi phục từ chè Gò Loi trước đây.
Năm 1979, trên vùng Trung du Hoài Ân, Nông trường chè Gò Loi chính thức được thành lập. Trải qua bao thăng trầm, đến nay nông trường không còn nhưng hương chè Gò Loi thì vẫn lan tỏa đậm đà trong lòng bao người.
Ngồi nhâm nhi tách trà nóng vừa mới sao được hái từ những cây chè của nông trường trước kia còn lại, ông Lê Đình Phụng tuổi đã ngoài 80-người đặt nền móng xây dựng nông trường bùi ngùi kể lại: “Là người con quê hương Hoài Ân tập kết ra Bắc và có 20 năm làm ở Nông trường chè Tam Đảo tỉnh Vĩnh Phúc, sau ngày giải phóng trở về quê hương tôi được nghe giống chè “Cam Khổ” từ xưa truyền lại nức tiếng thơm ngon. Tôi tự nghĩ, có thể là do chất đất ở đây phù hợp với cây chè, thế rồi bao khát vọng thôi thúc tôi bén duyên với chè Gò Loi”.
Vang bóng một thời
Với sự quyết tâm của ông Phụng, sự đồng tình ủng hộ của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện lúc bây giờ, năm 1979 trên vùng đất Gò Loi thuộc thôn Tân Thịnh xã Ân Tường Tây những cây chè đầu tiên được nẩy mầm, lúc đầu là một, vài ha, sau đó lên trên 30ha.
Chè được trồng là giống chè Bắc Thái có tiếng thơm ngon. Từ những đồi núi hoang hóa qua bàn tay và lòng nhiệt huyết của hàng trăm thanh niên xung phong, hơn 20 cán bộ của nông trường và hàng ngàn ngày công của học sinh trường THPT Hoài Ân lúc bây giờ đồi chè đã ngày một xanh ngát. Dulichgo
Điều mà ông Phụng nhớ nhất là tâm trạng của cả nông trường khi những búp chè đầu tiên được hái và sao thủ công từ những đôi tay còn bỡ ngỡ của các cô gái nông trường nhưng mùi hương của nó đã ngào ngạt loan tỏa trong sự hồi hợp chờ đợi của những người xung quanh. Nhưng một điều bất ngờ ngoài dự định của mọi người là khi thưởng thức tách trà đầu tiên thì nó ngon một cách lạ thường, vừa có vị mặn, một chút chát, một chút ngọt và lưu lại rất lâu trong miệng sau khi uống mà người xưa gọi là “lưu trà”. Hơn nữa, điều mà các loại chè khác không có đó là khi pha đến nước thứ ba vị và hương của nó vẫn còn giữ nguyên.
Thế rồi tiếng lành đồn xa, danh tiếng chè Gò Loi đã vượt ra ngoài huyện, tỉnh. Và từ đó chè Gò Loi được xem là một đặc sản của Hoài Ân. Mỗi dịp lễ, tết ai có được lạng chè Gò Loi để thưởng thức, biếu bạn bè, người thân thì thật là vinh dự và tự hào.
Qua thời gian hình thành, phát triển đến nổi tiếng rồi qua những thăng trầm đến năm 1998 nông trường chè Gò Loi chính thức giải thể, phần lớn diện tích chè được phá để trồng các loại cây khác. Riêng anh Nguyễn Hữu Cầu vẫn giữ hơn 1ha chờ thời cơ khôi phục lại. Mặc dù đã hơn 10 năm nông trường giải thể, chè Gò Loi vắng bóng trên thị trường nhưng danh tiếng và hương vị của nó thì không phai…
Vực dậy một danh trà
Không thể quên hương chè Gò Loi, năm 2007, anh Cầu bàn với gia đình quyết tâm vực dậy chè Gò Loi. Được sự giúp đỡ của lãnh đạo địa phương, anh Cầu lập dự án và được Ngân hàng chính sách xã hội huyện cho vay 20 triệu đồng với lãi suất ưu đãi. Cùng với số tiền tích góp lâu nay, gia đình anh Cầu đã tập trung chăm sóc nên dù đã 30 năm nhưng hơn 1ha chè hồi sinh phát triển xanh tốt trở lại, hương vị vẫn thơm và ngon.
Thấy hiệu quả từ việc khôi phục lại vườn chè của mình, anh Cầu tiếp tục vận động các hộ xung quanh khôi phục và trồng mới diện tích chè trên vùng đất của nông trường năm xưa. Cuối năm 2009 có 5 hộ lập dự án và được Ngân hàng chính sách xã hội huyện cho vay 100 triệu đồng tiếp tục trồng mới 5ha. Một số hộ khác cũng tự bỏ vốn trồng trong vườn vài sào. Điển hình như hộ ông Nguyễn Xuân Oanh, ông Lê Văn Dũng, mỗi người trồng từ 5-10 sào.
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới xã Ân Tường Tây đã quyết tâm khôi phục và phát triển lại chè Gò Loi. Năm 2012, được ông Trần Đình Định là một người con của quê hương Hoài Ân làm cầu nối hai tiến sĩ khoa học chuyên về ngành chè của Trường Đại học Thái Nguyên đã về khảo sát, định hướng và giúp Ân Tường Tây xây dựng Đề án khôi phục, mở rộng diện tích và định hướng các thủ tục đăng ký thương hiệu chè Gò Loi về sau.
Song song với việc làm trên, đầu năm 2013 xã Ân Tường Tây cũng thành lập Câu lạc bộ chè Gò Loi, có hơn 25 hộ trồng chè của thôn Tân Thịnh tham gia. Ông Nguyễn Xuân Oanh, Phụ trách Câu lạc bộ chè Gò Loi cho biết: Hiện nay giá chè Gò Loi rất cao (khoảng 400.000đồng/kg) nhưng không có để bán. Việc khôi phục lại chè Gò Loi không những mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn tạo được nhiều việc làm cho người dân nơi đây.
Ông Nguyễn Trọng Thu - Chủ tịch UBND xã Ân Tường Tây cho biết thêm: Xã phấn đấu đến năm 2015 sẽ có 30 ha chè Gò Loi. Chúng tôi tin tưởng với danh tiếng từ trước và tìm năng thuận lợi thì sản phẩm chè Gò Loi có đủ sức cạnh tranh với các danh chè khác. Và người trồng chè Gò Loi hy vọng hương chè trên vùng đất Trung du còn lan tỏa trong cuộc sống.
Theo Văn Hùng (Báo Bình Định)
Du lịch, GO!
Chia sẻ bài này
Hương chè Gò Loi vang bóng một thời
4/
5
Oleh
Unknown