Sự ra đời của con tem bưu chính

Tem thư, còn gọi là tem bưu chính, tem (bắt nguồn từ tiếng Pháp: timbre), trước đây còn gọi là bưu hoa, là một loại dấu hiệu có giá trị nhất định, thường là một mảnh giấy hình chữ nhật, dùng để trả phí cho dịch vụ bưu chính.

Lịch sử Bưu chính thế giới đã ghi nhận hoạt động thư tín đã có từ thời cổ đại và là đặc quyền của giới vua chúa. Các Pharaoh Ai Cập cổ đại đã sử dụng những sứ giả để chuyển tin khắp trong và ngoài lãnh thổ của mình. Thư tín trong thời kỳ này là những tấm đất sét có khắc chữ. Có thể nói người lính truyền tin chiến thắng từ Marathon về Aten vào năm 490 (trước công nguyên) là người bưu tá đầu tiên trong lịch sử.

Ở châu Âu, hoạt động bưu chính phát triển tương đối nhanh. Đặc biệt là tại nước Anh, vào thế kỷ 16, vua Henri VIII đã cử một viên quan chuyên coi sóc hoạt động Bưu chính. Năm 1661, Henry Bishop đã đưa ra sáng kiến sử dụng con dấu có khắc ngày, tháng, năm để đóng lên các bì thư tín nhằm theo dõi các tuyến thư.

Từ thế kỷ 17, một số nước ở châu Âu đã tổ chức chuyển thư của cơ quan và nhân dân. Người bưu tá chuyển thư và nhận tiền thanh toán cước phí từ người nhận thư. Phương pháp này gây nhiều phiền toái như: cước phí cao (người bưu tá phải đi ngựa hàng chục dặm để chuyển một bức thư), mất an ninh cho bưu tá.

Bưu chính Pháp và Anh có phương án: người gửi thư mua một phiếu dán vào bì thư rồi bỏ vào thùng thư. Bưu tá lấy thư, bóc lại phiếu và chuyển đi. Phương án này không được áp dụng lâu. Tuy vậy những phiếu dùng thời đó có thể được coi là "mẫu tem đầu tiên" và có giá trị sưu tầm rất cao. Những mẫu đó hiện chỉ còn trên văn bản ở bảo tàng.

Những đề xuất cải cách về bưu chính đã được hình thành từ ngay đầu thế kỷ 19 và đặc biệt là sự ra đời của con tem đầu tiên trên thế giới ra đời tại nước Anh ngày 06-05-1840 đã thúc đẩy sự phát triển của dịch vụ bưu chính.

Đến thế kỷ 17, nước Anh mở đầu sự nghiệp bưu chính do nhà nước kinh doanh. Cho đến những năm 30 của thế kỷ 19, nước Anh vẫn thu lệ phí gửi thư theo số trang và cự ly vận chuyển của đường thư. Một bức thư từ Luân Đôn đến Scotland phải trả cước phí bằng tiền công nhật của một công nhân xây dựng đường sắt. Người dân bình thường không thể trả được giá cước đắt như vậy, cho nên người ta tìm mọi cách để giảm hoặc không trả cước. Ví dụ: có một thương nhân khéo léo viết nhiều bức thư lên một tờ giấy rồi gửi cho một người nhận, người đó lại cắt tờ giấy thành từng thư rồi trao cho người nhận thư ở cùng khu vực. Bởi vì thư đó là một tờ giấy nên chỉ phải trả cước của một bức thư và như vậy giảm cước phải nộp của người nhận thư.

Ngoài ra, những nghị sĩ của Nghị viện Anh được hưởng đặc quyền miễn trả cước thư tín. Họ chỉ cần ký tên mình trên bì thư là có thể gửi thư cho bất kỳ ai ở đâu mà người đó không phải trả cước. Những tệ hại trên đều do nước Anh để cho giá cước thư lên quá cao, và ngược lại làm cho thu nhập bưu chính nước Anh quá thấp.

Sir Rowlland Hill (1795-1879) là một nhà cải cách kiệt xuất. Ông quê ở Birmingham nước Anh, là một giáo viên dạy toán nhưng rất quan tâm đến hoạt động bưu chính.

Thời ấy, ở nước Anh còn lưu truyền một câu chuyện như sau: Năm 1888, Rowlland Hill đang đi chơi ở một vùng gần Luân Đôn, ông thấy một người phu trạm từ xa mang một phong thư đưa cho một cô gái. Cô gái cầm bức thư chỉ nhìn qua rồi trả lại người phu trạm và nói: “Xin lỗi tôi không có tiền, mong ông trả về người gửi”. Người phu trạm và cô gái lời qua tiếng lại. Ông đi tới, hỏi rõ tình hình rồi trả giúp cô gái bưu phí. Sau khi người phu trạm đi khỏi cô gái nói với ông rằng: “Bức thư này là của anh tôi gửi. Chúng tôi đã hẹn trước với nhau nếu bình yên vô sự thì đánh một dấu tròn ở bì thư, sau khi xem xong tôi biết anh ấy ở xa không xảy ra chuyện gì, khỏi phải trả cước. Thế là vừa có thông tin vừa không phải trả tiền”.

Năm 1835, Rowlland Hill bắt đầu nghiên cứu vấn đề cải cách bưu chính nước Anh. Để tuyên truyền cho tư tưởng cải cách, năm 1837, ông cho xuất bản một quyển sách nhỏ mang tên “Cải cách bưu cục - tầm quan trọng và tính thực tiễn” (Post Office Reform It’s Importance and Practicability), trong sách này ông nêu ra một biện pháp cải cách là trong phạm vi vùng đất Anh và Bắc Ai-len, mọi thư tín không kể đường bưu xa gần mỗi thư nặng 1/2 ounce (14,2 g) chỉ thu cước 1 Penny và phải trả trước bằng cách mua một bì thư đã có dấu hiệu trả cước để người gửi thư sử dụng.

Để thuận tiện cho người gửi không muốn dùng bì thư đã in dấu hiệu trả cước, bưu cục bán cho một mảnh giấy “in hoa”nhỏ để dán lên bì thư tự làm. Mảnh giấy “in hoa” nhỏ như một bông hoa, mặt sau có keo, chỉ cần làm ướt rồi dán lên bì thư. Rowlland Hill gọi mảnh giấy đó là “lá nhãn” (label), thực tế là con tem chúng ta dùng ngày nay.

Tháng 01-1837, Rowlland Hill viết thư cho một thành viên Chính phủ Anh đề xuất kiến nghị này nhưng kiến nghị bị Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu chính Anh kịch liệt phản đối. Sau đó, Rowlland Hill in quyển sách nhỏ này thành truyền đơn phát khắp nơi để tạo sự chú ý của dư luận. Quốc hội Anh sau nhiều lần thảo luận, cuối cùng tháng 08-1839 đã thông qua một đạo luật nổi tiếng là “Luật cước 1 Penny”(One Penny Act). Ngày 10-01-1840, nước Anh quyết định thực hiện kiến nghị của Rowlland Hill: không kể xa gần, mỗi bức thư nặng 1/2 ounce thu phí 1 Penny. Đó là chế độ cước bình quân 1 Penny có ảnh hưởng sâu rộng trên lịch sử bưu chính toàn thế giới. Để thực hiện kế hoạch cải cách bưu chính của Rowlland Hill, Bộ Tài chính (thời đó bưu cục ở Anh do Bộ Tài chính quản lý) đã mời ông về làm việc.
Hình bán thân của nữ hoàng Victoria nhìn nghiêng của ông William Weld được chọn để đưa lên tem. Đó là hình ảnh Nữ hoàng Victoria năm 18 tuổi (1837).

Tem 1 Penny Đen in hình Nữ hoàng Victoria để vừa thể hiện quyền uy của quốc gia vừa thể hiện sự nghiêm túc của một chứng khoán có giá mặt bằng tiền do nhà nước phát hành, khi in ấn đã áp dụng công nghệ in khắc tiên tiến nhất thường dùng để in tiền giấy của các nước ở Âu, Mỹ thời đó và in trên giấy có bóng mờ hình vương miện để chống làm giả. Phía trên tem ở giữa có chữ “Postage” (cước bưu), hai bên góc có hoa chữ thập, phía dưới tem, giữa là chữ “One Penny” (1 Penny). Tờ tem in chiều ngang 12 tem, chiều dọc 20 tem, tổng cộng 240 tem, giá mặt cả tờ vừa đúng 1 Bảng Anh. Để ngăn ngừa làm giả, mỗi tem có một bóng mờ vương miện trên giấy, phía dưới tem ở 2 góc có 2 chữ cái để đánh dấu. Những tem cùng hàng ngang, chữ cái ở góc trái giống nhau, những tem cùng hàng dọc, chữ cái ở góc phải giống nhau. Theo vậy mà đánh dấu.

Ví dụ: tem một là A-A, tem hai là A-B, tem ba là A-C... cho đến tem 12 là A-L. Theo hàng dọc góc trái cũng đánh dấu theo thứ tự A, B, C.... đến T, hàng dọc góc phải cũng thế. Vì hai chữ cái của mỗi tem đều được đánh dấu chuẩn xác theo quy luật như vậy nên có thể đoán định được vị trí của tem trong cả trang. Ví dụ: một tem ở góc dưới trái có chữ C, ở góc dưới phải có chữ D, thì con tem đó nằm ở hàng 3 và cột 4. Để tuyên truyền cho mọi người sử dụng tem, ở lề các tờ tem đều in dòng chữ “Mỗi tem giá 1 Penny, mỗi hàng có 12 tem giá 1 Shilling, mỗi tờ tem giá 1 Bảng Anh. Làm ướt lưng tem rồi dán lên bì thư, chú ý đừng làm mất lớp keo dán”. Thời đó chưa phát minh ra máy đục lỗ răng tem cho nên xung quanh con tem không có lỗ răng tem, phải dùng kéo cắt từng tem.

Nước Anh dự định ngày 10-01-1840 bắt đầu áp dụng cước bình quân 1 Penny, nhưng đến tháng giêng năm đó không chuẩn bị đủ bì thư và tem, cho nên tạm thời đóng dấu “đã thu cước” lên bì thư. Về nguyên tắc, ngày phát hành tem là 06-05-1840, nhưng có bưu cục đã bán tem từ ngày 01-05-1840. Con tem đầu tiên của thế giới đã ra đời như vậy.

Lúc đầu Rowlland Hill cho rằng đa số người gửi thư thích dùng bì thư của bưu cục đã in dấu thu cước, nhưng thực tế người ta thích mua tem hơn. Nhiều người thấy con tem có vẻ mới lạ, tiện sử dụng nên mua nhiều, kết quả là cung không đủ cầu. Công nhân in phải làm việc suốt ngày đêm mới đủ tem bán. Theo thống kê, từ ngày 01-05-1840 đến tháng 01-1841, chỉ trong hơn nửa năm mà tổng số tem phát hành là 30 vạn tờ, tức là 72 triệu con tem.
Tháng 02-1841, tem 01 Penny được in thành màu đỏ.
Sau khi con tem 1 Penny Đen phát hành được 2 ngày, con tem 2 Penny màu xanh cũng chính thức được phát hành.

Mẫu tem 1 Penny Đen được liên tục sử dụng trong 61 năm - tới năm 1901, khi nữ hoàng Victoria băng hà, mới bị thu hồi. Sau khi sử dụng tem 1 Penny Đen hơn một năm, tổng số lượng bưu kiện tăng lên gấp 3 lần.

Để biểu dương sự cống hiến xuất sắc về cải cách bưu chính, Nữ hoàng Anh đã phong cho Rowlland Hill tước hiệu Hiệp Sĩ, mọi người vinh danh ông là “Cha đẻ con tem bưu chính”.

Tiếp theo nước Anh, Brazil bắt đầu sử dụng tem vào năm 1843; sau đó là Mỹ và Mauritius vào năm 1847; Pháp, Bỉ và Bavaria vào năm 1849; Áo, Tây Ban Nha và Thụy Sĩ vào năm 1850; Đức và Đan Mạch vào năm 1852… Hầu hết các nước khác cũng bắt đầu sử dụng tem vào năm 1860. Như vậy là chỉ trong vòng 20 năm tem sau khi ra đời, tem bưu chính đã có mặt trên khắp thế giới.

Năm 1874, Hội nghị bưu chính đầu tiên trên thế giới gồm 22 nước quyết định thành lập Liên minh Bưu chính Thế giới (Universal Postal Union - UPU) nhằm thống nhất các hoạt động, đẩy nhanh tốc độ phát triển của dịch vụ bưu chính.
Tổng hợp

Chia sẻ bài này

Xem thêm

Sự ra đời của con tem bưu chính
4/ 5
Oleh
Loading...