Làng giữa phố Ban Mê

Nếp làng giữ nguyên từ mái nhà dài “tứ đại đồng đường” đến chiêng, ché, trống, nồi đồng và cả cái ghế dài kpan hiện hữu trong từng gia đình mang hồn dân tộc Ê Đê tồn tại giữa phố xá thênh thang của thủ phủ cà phê Buôn Mê Thuột. Đó là một buôn làng hiếm hoi của Tây Nguyên tồn tại song hành với thị tứ trong tiến trình đô thị hóa, tạo nét độc đáo để phát triển du lịch.

Đi hết con đường Trần Nhật Duật của phố thị Ban Mê (thành phố Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk), buôn Ako Dhông hiện ra ngỡ ngàng, khác xa với kiến trúc bê tông cốt thép. Những ngôi nhà dài nằm dọc hai bên đường, có căn được cất mới nhưng vẫn giữ nguyên nét cổ xưa truyền thống. Ngôi nhà có hình dáng như một chiếc thuyền, có mái lợp chạy theo chiều dài của ngôi nhà. Nhà càng dài chứng tỏ gia đình càng sung túc, đông con, nhiều cháu cùng sống chung.

Ban đầu, nhà chỉ có gian trước làm phòng khách, phía sau là chỗ ngủ của đôi vợ chồng và bếp núc. Con gái lớn lên, nhà lại nối thêm một gian, trổ thêm cánh cửa sổ để cưới chồng. Cứ thế, các gian nhà được nối tiếp nhau từ ngôi nhà chính. Gia đình có nhiều con gái, nhà càng dài. Có khi dài hơn cả tiếng chiêng ngân.
Nhà dài của người Ê Đê ở buôn Ako Dhông. Ảnh: THỤY DU

Đặc biệt là cầu thang được đẽo gọt thành nhiều bậc từ một cây to trong rừng. Đầu cầu thang được khắc họa đôi nhũ hoa, được gọi là thang cái. Một thang còn lại là thang đực, nhỏ hơn được khắc họa hình voi, kỳ đà… Việc sử dụng cầu thang trong mỗi ngôi nhà đều có quy ước truyền đời riêng. Nhưng ngày nay, nhiều nhà đã bỏ qua tập tục này trong sinh hoạt hằng ngày, trừ những dịp quan trọng.

Ako Dhông là ngôi làng đẹp, đầy thú vị đối với du khách. Vì người ta không cần phải đi xa mà vẫn tìm được bản làng đậm chất dân tộc Ê Đê. Có những gia đình khá giả, có nhiều tiền để cất những ngôi biệt thự xa hoa. Nhưng ngôi nhà dài vẫn chiếm vị trí trang trọng trong khu đất của gia đình như một chốn thiêng liêng. Còn ngôi biệt thự có đắt giá mấy vẫn nằm khiêm nhường ở một góc đất. Cả làng làm du lịch nên một số nhà được khai thác làm điểm tham quan, bán hàng lưu niệm, quán cà phê, dịch vụ lưu trú… ở gian trước của ngôi nhà. Gia chủ và bếp núc nằm ở phía sau.

Nhưng dù được làm du lịch hay để ở, các ngôi nhà dài vẫn có đầy đủ gian công năng, bày trí đồ đạc như truyền thống. Cồng chiêng, ché rượu cần, nông cụ… luôn đầy đủ để du khách khám phá hết nét truyền thống của dân tộc.

Trong những ngôi nhà khá giả được gìn giữ lâu đời hiện vẫn còn kpan dài hơn chục mét. Đó là chiếc ghế dài được cắt từ một thanh gỗ cổ thụ, đặt trang trọng theo chiều dài nhà. Tất cả những chiếc ghế này đều có từ lâu đời, của cha ông truyền lại trong mỗi gia đình người Ê Đê.
Lễ cầu mưa của buôn làng mà dân tộc Ê Đê vẫn gìn giữ trong đời sống hiện đại. Ảnh: THỤY DU

Làng giữa phố hiện vẫn còn rừng sát cạnh, được các thế hệ gìn giữ như một trách nhiệm với tiền nhân và hậu thế. Vị trí của nó rất đặc biệt: Nơi đầu nguồn của các con sông, con suối lớn thuộc quyền cai trị của tù trưởng Ama Thuột ngày xưa.

Trong tiếng Ê Đê, Ako Dhông là buôn đầu nguồn. Người Kinh gọi là Cô Thôn. Trong buôn, có bến nước là nơi người dân tắm giặt và mang nước về nhà, hiện là điểm tham quan của buôn.

Dù phát triển ít nhiều ảnh hưởng của đời sống hiện đại nhưng người Ê Đê bản địa vẫn còn giữ các lễ nghi truyền thống, như lễ cúng bến nước, lễ cầu mưa, lễ kết nghĩa anh em, lễ hội cồng chiêng…

Nếu lấy làng Ako Dhông làm trung tâm, trong vòng bán kính 20-40km là những điểm đến nổi tiếng của thủ phủ cà phê Ban Mê, như: Buôn Đôn, mộ Vua Voi, hồ Lăk, Buôn Jun và các ngọn thác Dray Nưr, Dray Sáp, Gia Long… bên cạnh các điểm tham quan chính ở trung tâm thành phố là bảo tàng- biệt điện vua Bảo Đại, chùa sắc tứ Khải Đoan, làng cà phê Trung Nguyên…

Có thể nói, đây là ngôi làng gắn với lịch sử phát triển từ bộ tộc của tù trưởng Ama Thuột hùng mạnh thành thành phố Buôn Mê Thuột sung túc. Ở đó, đời sống thay đổi nhiều nhưng vẫn tồn tại những giá trị truyền thống của một dân tộc như một di sản.

Ngôi làng truyền thống giữa phố phường đô hội là kết tinh từ sự gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, tạo thành điểm đến du lịch không đơn thuần là tham quan mà còn để nghiên cứu, học tập. Ako Dhông như một viên ngọc quý của cao nguyên bazan.
Theo Báo Cần Thơ

Chia sẻ bài này

Xem thêm

Làng giữa phố Ban Mê
4/ 5
Oleh
Loading...