Say nắng đảo Phú Quý (ở Bình Thuận)

Phú Quý là huyện đảo ở Bình Thuận, tiền tiêu án ngữ Biển Đông, cách Phan Thiết 56 hải lý (chừng 105km). Cùng với Ninh Thuận, vùng đất này Gió như Phan (Thiết) và nóng như (Phan) Rang. Ra đảo vào mùa này, không say nắng thì say gió, hoặc say sóng.

Mấy năm nay, Phú Quý có nhiều đổi thay. Nhà cửa khang trang hơn với nhiều nhà nghỉ, khách sạn nhỏ, sạch sẽ tươm tất. Từ 2015, Phú Quý đã có điện suốt đêm. Hơn năm nay có tàu cao tốc, hải trình từ bờ ra đảo rút ngắn còn 3,5 giờ. Các bến tàu đều có lịch khởi hành cố định, trừ khi thuê riêng chuyến thì khác.

Tùy con nước mà lịch xuất bến thay đổi, có khi từng ngày, phải cập nhật, giống như dự báo thời tiết. Tàu cao tốc Hồng Phát thường xuất bến lúc 8g tại Phan Thiết và 14g tại Phú Quý. Giá ghế ngồi hoặc nằm giường tầng tập thể là 250.000 đồng. Phòng lạnh riêng từ 4-8 người là 350.000 đồng/người.
Một góc Phú Quý
Điểm tham quan đầu tiên là ghé viếng chùa Linh Bửu (chưa có sư trụ trì nên thường xuyên đóng cửa) với gốc mù u cổ thụ hàng trăm tuổi. Du khách gởi xe trong chùa, rồi men theo 122 bậc thang, núp bóng dưới các vòm cây râm mát, chinh phục núi Cấm cao 108m và mua vé lên ngọn hải đăng cao 18m. Đây là vị trí cực đẹp để "rửa mắt" với toàn cảnh Phú Quý. Giữa bạt ngàn xanh của biển, Phú Quý mênh mông xanh rừng tái sinh, cây dại và hoa trái; trừ thị trấn đông đúc và vài cụm dân ven biển.

Điểm kế tiếp là núi Cao Các, cao 70m với chùa Linh Sơn và mấy cây sứ đại thụ. Núi Cao Các như một bộ sưu tập đá macma khổng lồ với nhiều kiểu dáng kỳ lạ, là nơi tốn nhiều thời gian chụp ảnh nhất vì quá nhiều góc máy độc. Các điểm khác là Vạn An Thạnh, xây dựng từ năm 1781, nơi thờ 77 thần Nam Hải và trưng bày bộ xương cá voi dài hơn 20m (Vạn Thủy Tú, Phan Thiết xây dựng từ 1762, có bộ xương cá voi dài 22m); miếu Bà chúa Bàng Tranh; mộ Thầy; ghềnh Hang…
Bãi biển đá macma trên đảo

Ngày tiếp theo, chúng tôi chia thành từng tốp nhỏ, theo sở thích, đi trở lại vòng quanh đảo, dừng tham quan chụp ảnh và tắm nơi nào tùy thích. Đường vòng cung quanh đảo chưa tới 20km mà có hàng chục khung cảnh đẹp. Từ những bãi cỏ với mấy chú bò nhẩn nha, đến cột phong điện ngạo nghễ. Từ các làng chài ven bờ, cột cờ chủ quyền, nhà bè, các bãi neo thuyền và hàng chục điểm tắm.

Phú Quý không có những bãi tắm mịn màng cát trắng nhưng bù lại nước trong xanh và sạch hơn, kể cả những bãi tắm sau nhà dân. Những hồ nước tự nhiên xanh trong ngọc bích, nõn nà mê hoặc. Các bãi Triều Dương, Cột Cờ, Hàng Dương và nhiều bãi tắm nhỏ đều thú vị. Có điều là chưa có dịch vụ tắm lại nước ngọt nên cứ để nguyên nước biển rong chơi.

Ngày cuối, vẫn chia thành nhóm theo sở trường. Nhóm mê chợ thì rủ nhau ra cảng cá sớm, xem ngư dân đi thuyền về, học cách phân biệt và lựa các loại hải sản tươi. Nhóm lên tàu ra nhà bè xem cách nuôi tôm hùm và các loại cá biển đặc sản. Thích thứ nào thì dùng vợt bắt và nhờ chế biến rồi thanh toán tại chỗ.
Ghe thuyền tấp nập

Nhóm chịu chơi hơn thì thuê thuyền ra hòn Trứng xem chim biển. Nhóm tín đồ câu cá, mang theo đồ nghề từ nhà, thuê thuyền lang thang cả ngày quanh các đảo. Nhóm yêu nước thì thuê thuyền ra xa tắm và lặn ngắm san hô. Nhóm theo đạo ăn uống thì la cà quán xá đủ loại. Phú Quý có nhiều quán cà phê dễ thương, còn chè thì khắp nơi. Dân biển thường thích ngọt và đắng. Không thấy quán nhậu như ở đất liền.

Đến Phú Quý, phải thưởng thức các loại ốc vú nàng, nón, nhảy, gai, hàu…; các loại cá mú đỏ, mú trắng, tà ma, hồng chuối, bò, nục, ngừ, bè…; các loại tôm hùm, cua huỳnh đế, cua mặt trăng, cua đỏ… Món bò nóng, các quán tự mổ bò, xẻ thịt, khách đến chọn phần bò tươi của mình rồi tự chế biến với bếp than hồng hoặc nhúng giấm, vị rất đã, ngon hơn bò đất liền. Ăn trưa nên ghé quán Long Vỹ, ngay mép biển. Ngồi nhà hàng mà cứ ngỡ đang trên tàu du ngoạn. Ăn tối thì nên ghé Trung tâm Văn hóa ngay thị trấn, nhà hàng thoáng mát, nhiều món ngon, có sẵn sân khấu âm thanh, tha hồ chơi gala hay karaoke tùy thích.
Đường đi rợp bóng cây ở đảo

Nhiều du khách thích một mình một xe, chầm chậm vòng quanh đảo để được gió biển mơn trớn vỗ về, nghe đá độc thoại và cây thầm thì tỏa hương trong nắm sớm xuân thì. Thi thoảng gặp chim cu đất, dông cát và cả sóc chạy qua đường. Núi Cấm và núi Cao Các là điểm đón bình minh và tiễn hoàng hôn cực đẹp. Gặp đêm trăng, có thể ôm đàn rủ bạn bè ca hát.

Đường quanh đảo chỉ vài đoạn có đèn đường, nhiều nơi tối mịt. Chạy xe giữa xào xạc cây, giữa rì rào sóng, giữa nồng nàn gió và hương trời đất, giữa lênh láng vàng trăng tĩnh mịch là cái thú mê hoặc, phê cả đời. Đến Phú Quý, dù đi theo tour, theo nhóm hoặc phượt đều nên sử dụng xe gắn máy. Vừa "kinh tế" vừa cảm nhận được chất đảo.

Đường đến Phú Quý còn khá gian nan nên khách muốn tới đông hơn cũng không được. Nhờ vậy mà Phú Quý vẫn mộc mạc chân quê làm say nắng bao lữ khách. Chỉ sợ mai này tấp nập xô bồ, hương đồng gió nội bay đi… hết rồi thì uổng phí.

Theo Doanh Nhân Sài Gòn Online

Chia sẻ bài này

Xem thêm

Say nắng đảo Phú Quý (ở Bình Thuận)
4/ 5
Oleh
Loading...