Bolero sự tiếp nối dòng chảy nhạc Việt

Ca sĩ Ánh Tuyết.

Bolero trở thành một trong những đề tài nóng nhất năm 2017. Hàng loạt chương trình truyền hình đều phải “dính” tên bolero để được phát sóng “giờ vàng”. Thậm chí một tờ báo cũng ra chuyên mục Trà đá với Bolero. Và những trận khẩu chiến, do quan niệm lệch nhau về bolero, đã liên tục nổ ra giữa các sao. Đến mức có cảm tưởng, họ chỉ muốn bám vào từ khóa này để gây chú ý. Nhưng kể cả với chừng đó thị phi vây quanh, sự trở lại của bolero vẫn không hẳn là một hiện tượng bất thường.

1. Mấy hôm trước bật ti-vi, tôi vô tình bắt gặp chương trình Cặp đôi hoàn hảo Trữ tình - Bolero. Toàn các ca sĩ trẻ bây giờ hát nhạc xưa, cũng nắn nót ra trò. Mỗi người một vẻ, người hát kỹ thuật đúng kiểu xưa như Hòa Minzy, người nhả chữ lai Tây như Erik... Vì chương trình chấm điểm nên ai cũng gắng hết sức. Xem chương trình thấy dễ chịu và thú vị vì có dịp “thấy” lại những giai điệu xưa, qua lăng kính trẻ hôm nay. Giữa bạt ngàn các chương trình ca nhạc truyền hình đưa “bolero” vào tên làm mồi câu khách, chương trình này biết điều chỉnh bằng cách đính kèm từ “trữ tình”. Thế là chẳng ai nói ra, nói vào được nữa. Vì rõ ràng mấy bài tôi nghe không hề chơi theo điệu bolero.

Vài năm gần đây, Hà Nội nở rộ các sân khấu vỉa hè của người khuyết tật. Thứ nhạc vang lên ở đó thường là những ca khúc có âm hưởng truyền thống. Đi qua một sân khấu như vậy vào đêm Noel 2016, Mỹ Tâm đã ghé vào hát chung với nam ca sĩ khiếm thị bài Sầu tím thiệp hồng và sau đó tiếp tục mời anh song ca bolero trong đêm diễn riêng đầu năm 2017. Mỹ Tâm làm nên tên tuổi bằng nhạc trẻ, nhưng giờ đây trong các chương trình riêng cũng phải thêm nếm vài bài bolero. Thậm chí cô ra hẳn một album nhạc bolero phát hành giới hạn, đâu như để đáp ứng nguyện vọng của những người hâm mộ “hạng VIP”.

Cho đến nay, Lệ Quyên vẫn được xem là điển hình thành công trong chuyển đổi phong cách, từ nhạc trẻ sang nhạc xưa và bolero. Nhưng trường hợp “thức thời” của Anh Thơ mới gọi là thú vị. Là giảng viên thanh nhạc, đương nhiên cô hát tốt opera. Cô thành danh bằng “nhạc đỏ” cùng dòng nhạc mang âm hưởng dân ca miền bắc và miền trung. Mấy năm trước, cô lấn sân sang cả tiền chiến và vừa rồi là một loạt nhạc phẩm bolero như Con đường xưa em đi, Người đi ngoài phố, Đừng nói xa nhau... Dù hát dòng nhạc nào, cô đều để lại dấu ấn riêng, rất Anh Thơ. Chẳng trách, cô luôn được đông đảo khán giả yêu mến.

2. Vì công việc, tôi phải đi xem đêm nhạc của Chế Linh và Thanh Tuyền, dù trước đó tìm nghe Thanh Tuyền trên mạng, tôi không thấy hợp tai. Tuy nhiên, thưởng thức trực tiếp là một Thanh Tuyền khác hẳn. Ở tuổi ngoài 70, bà đã làm tôi thay đổi hoàn toàn quan niệm (hoặc có thể gọi là định kiến) về kỹ thuật hát nhạc vàng. Hóa ra không chỉ có kiểu nhẹ nhàng, rủ rỉ mà thật sự phải dụng công, tốn sức để tiếng hát vừa vang lên sang sảng như chuông mà vẫn thể hiện được những sắc thái da diết làm nên đặc thù của dòng nhạc. Nó giống như trong nhạc pop có kiểu hát bình thường và kiểu hát “khó” của diva. Nhạc vàng cũng thế.

Chịu khó tìm hiểu thêm thì sự ngạc nhiên đến cả từ phía các nhạc sĩ. Chẳng hạn, hóa ra tác giả của Thành phố buồn (thường được chơi theo tiết tấu slow-rock) và Duyên kiếp (bolero) cùng là một người. Đây chính là hai tiết tấu tiêu biểu làm nên dòng nhạc vàng hay còn gọi là nhạc sến, ngoài ra còn có rhumba hay habanera... Tất cả đều là những tiết tấu Tây phương, bỗng được chơi chậm lại khi sang đến Việt Nam. Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 cắt nghĩa: “Phần đông ca sĩ, nhạc sĩ (thời bấy giờ) là người miền nam nên hát và viết bài hát mang chất dân ca bình dân của người nam. Họ viết nhạc phần đông ở giọng thứ, khi hát với bolero, nó đúng cái nhịp của người miền nam. Dân ca miền nam rất hợp bolero. Bên tân cổ giao duyên, phần đông hát vọng cổ xong qua bolero liền. Hai cái đó dính liền, pha với nhau. Từ đó có âm hưởng bolero trong âm nhạc Việt Nam”.

Ca sĩ Ánh Tuyết, người lớn lên trong thập kỷ 1970 cũng nhận định: “Nhạc bolero thời đó gần như đứng chung với mảng nhạc quê hương. Vì cùng phản ánh những hình ảnh, tâm tư tình cảm rất đời thường một cách đơn giản dễ hiểu nhất”. Sự hòa trộn giữa hai nguồn gốc của bolero Việt Nam có cái gì đó giống với jazz - là sự gặp nhau tại Mỹ của nhạc Âu và nhạc Phi.

Như vậy, bolero chỉ là một trong các tiết tấu thường được dùng để chuyển tải chất liệu và tâm tình của người Việt, là thành tố tạo nên một dòng nhạc chung phổ biến ở miền nam từ những năm 1960. Việc dùng một thể điệu để gọi tên dòng nhạc âu cũng là một kiểu “lách luật”. Vì “nhạc vàng” đã được coi là không phù hợp trong một thời kỳ lịch sử, còn gọi “nhạc sến” lại dễ bị giới hạn trong một tầng lớp khán giả nhất định. Nay gọi “bolero”, đủ lạ mà vẫn quen, có thể không chính xác theo quan niệm của giới chuyên môn nhưng ai ai cũng hiểu.

Trong ký ức của Ánh Tuyết thì miền nam những năm 1960-1970, không chỉ nhạc quê hương đắt khách mà mảng ngâm thơ cũng được ưa chuộng. Trong khi opera lại hầu như vắng bóng, thính giả chủ yếu nghe qua băng đĩa nước ngoài. Bây giờ thì sao, opera dù không phổ biến nhưng đã có chỗ đứng trong khi ngâm thơ thỉnh thoảng mới thấy trên đài. Sự phát triển có phần hơi lệch ấy nói lên điều gì? Không chừng về văn hóa chúng ta thua ngay trên sân nhà, khi chỉ biết “nhập siêu” mà chưa biết cách nâng niu bản sắc của chính mình.

3. Trong bối cảnh ấy, sự tái hồi của bolero đáng mừng hơn đáng lo. Cũng như sự trở lại của nhạc tiền chiến (thập kỷ 1940-50) rồi nhạc xưa (tình khúc miền nam trước 1975) vài năm trước, bolero - ngoài việc vốn sẵn có chất Việt (là cái mà nhạc hiện nay có nguy cơ thiếu hụt), thích hợp với người Việt mọi thời kỳ đã trở thành một món ngon và lạ với số đông khán giả hôm nay. Tất nhiên sau một thời gian sàng lọc, chỉ những ca khúc hay hơn cả mới có thể trụ lại. Với lớp khán giả tương đối trẻ, sinh ra trong thời nhạc “vàng” tạm lắng, bolero giống như một phát hiện thú vị. Trên mạng không chỉ xuất hiện hàng loạt các bản làm mới bolero của người trẻ hôm nay mà bolero vẫn tiếp tục có những sáng tác mới gây sốt, mà Duyên phận của Thái Thịnh là một thí dụ.

Tình cảm sẵn có và mới có của nhiều thành phần khán giả nay có dịp bộc lộ khiến bolero lên ngôi là chuyện đương nhiên. Hình như chỉ một số nghệ sĩ đang sống khỏe ở các dòng nhạc khác mới ngạc nhiên về điều này. Bởi trong nhãn quan của họ, sự hồi sinh này là bất thường, giống như đi ngược lại tiến trình phát triển của âm nhạc.

Nhưng sự phát triển của nghệ thuật không hề giống khoa học hay kinh tế. Chúng ta phải chấp nhận gần như hy sinh cả một nền cổ nhạc (ca trù, tuồng, chèo...) để chuyển sang nhạc pop như hiện nay, thì đó đơn thuần là thực tế lịch sử, chứ không thể coi là phát triển đi lên. Hoặc âm nhạc châu Âu từ đỉnh cao giao hưởng, opera đến nay thịnh hành toàn ca khúc cũng không thể gọi là thụt lùi. Cứ quan niệm đơn giản: một nền âm nhạc càng đa dạng, phong phú, càng có nhiều loại hình đáp ứng đủ mọi sở thích, thị hiếu thì nền âm nhạc đó càng khỏe mạnh mà thôi.

Vì thế việc các ca sĩ tuổi 20 hôm nay hát dòng nhạc của cha ông (bao gồm bolero) giống như một tín hiệu đáng mừng thể hiện sự kết nối thế hệ, sự không đứt đoạn của dòng chảy sử nhạc Việt. Để những người trẻ làm nhạc hôm nay sớm ý thức rằng họ không chỉ có nguồn chất liệu từ âm nhạc Anh Mỹ đang thịnh hành mà còn có cả một kho tàng đậm chất Việt từ những người đi trước để học hỏi và chắt lọc.

Việc các ca sĩ tuổi 20 hôm nay hát dòng nhạc của cha ông (bao gồm bolero) giống như một tín hiệu đáng mừng thể hiện sự kết nối thế hệ, sự không đứt đoạn của dòng chảy sử nhạc Việt.
Nguồn: Báo Nhân Dân

Chia sẻ bài này

Xem thêm

Bolero sự tiếp nối dòng chảy nhạc Việt
4/ 5
Oleh
Loading...