Hệ lụy của “vấn nạn” dạy thêm, học thêm

Dạy thêm, học thêm nhuốm màu tiêu cực là đề tài bàn luận chưa bao giờ vơi sức nóng trên khắp các diễn đàn, hội nghị và trong những câu chuyện bên tách trà.

Có lẽ chẳng có nơi đâu học sinh phải học tập cực khổ như nước ta. Cái cặp của học sinh tiểu học nặng đến oằn vai đã được cân đo đong đếm nhiều lần nhưng đâu lại vào đó. Chương trình giảm tải ư? Áp lực học hành giảm sút ư? Hình như chỉ là một giấc mơ đầy hão huyền khi mà tình trạng học sinh tiểu học hết học cả ngày ở trường lại tiếp tục “cày” ở lớp học thêm, học kèm, học nhóm diễn ra.

Lên cấp hai, những tưởng các con sẽ đỡ vất vả hơn. Nhưng không, chuyển từ hình thức vừa học vừa chơi và đánh giá bằng nhận xét, khuyến khích sang học thật, thi thật với hàng loạt bài kiểm tra nối tiếp nhau của hơn chục môn học cuốn các con vào vòng xoáy của thành tích, thi cử. Cứ thế, tuổi thơ các con trôi qua từ lúc nào và hành trang mang theo chỉ có mấy chữ “học”, “học” và “học”.

Một trong số những đối tượng cướp mất tuổi thơ của con trẻ chính là nạn học thêm tràn lan. Nó giờ như một cái “mốt” của xã hội hiện đại. Không cắp sách vở học thêm, trẻ như một hiện tượng cá biệt. Không cho con đến các lớp học thêm, bố mẹ như một hiện tượng lạ lẫm. Ngay đến nhiều ông bố bà mẹ có trình độ hẳn hoi, là giáo viên đúng chuyên ngành cũng “gửi” con cho cô giáo với nhiều bao biện, nào là cô dạy đúng phương pháp, nào là “bụt nhà mất thiêng”…

Thử hỏi một bài toán đơn giản đã làm trước ở nhà, liệu lên lớp con có còn hứng thú nghe cô giảng về phương pháp giải toán? Một bài văn đã “nhai” đi “nhai” lại ở lớp học thêm, liệu lên lớp con có còn chút nhiệt tình nào tìm hiểu? Mất hứng thú, hết tư duy, triệt tiêu tính sáng tạo, giáo dục đã thất bại ngay từ nguyên lý có tính nền tảng nhất!

Chúng ta không phủ nhận một thực tế tích cực từ việc dạy thêm, học thêm. Đó chính là cái nôi trui rèn, bổ trợ kiến thức, năng khiếu cho học sinh giỏi và yếu. Không ít phụ huynh nhờ các lớp dạy thêm “trông giữ” con khi bận công việc hoặc nhằm “lôi kéo” con ra khỏi các trò chơi điện tử, mạng xã hội mà gửi con vào lớp học thêm. Nhưng mặt tích cực thì hạn chế còn những tiêu cực nảy sinh lại nhiều vô vàn.

Trong số những phụ huynh vẫn một hai “nhờ cô kèm cặp thêm cho cháu” kia có không ít người mang ảo tưởng con mình sẽ giỏi hơn, uyên bác hơn sau khi “chiến đấu” với kiến thức ở lớp học thêm. Thậm chí có người còn tự huyễn hoặc mình rằng không học thêm sẽ bị cô “đì”, thôi đành mỗi tháng trích một khoản không nhỏ dành cho đứa lớn và đứa nhỏ học thêm.

Cả một xã hội lao vào học thêm chẳng khác gì thêm “sóng” đẩy “thuyển”. Dạy thêm, học thêm trở thành vấn nạn đầy nhức nhối. Bao nhiêu công văn nhắc nhở, chấn chỉnh vẫn chỉ như “muối bỏ biển”. Học thêm, dạy thêm vẫn tràn lan. Xã hội có cầu thì ắt có cung. Các lớp học thêm vẫn mở ào ào, công khai có, lén lút cũng có, và vô số lớp dạy thêm núp bóng các trung tâm gia sư.

Nếu dạy thêm đúng với bản chất của tinh thần tự nguyện thì chẳng có gì mà xã hội lên án. Chỉ có điều một bộ phận không nhỏ giáo viên đang dạy thêm ở thành thị thường sử dụng chiêu bài “gợi ý”, o ép và cả “đì” học sinh không đi học thêm. Chính nó mới gây ra bao hiện tượng trái tai gai mắt, tạo luồng dư luận xấu trong xã hội.

Theo quan điểm của tôi, muốn trị dứt nạn dạy thêm, học thêm, trước hết cần “chữa” căn bệnh thành tích, ảo tưởng của phụ huynh. Bao giờ phụ huynh hết mơ mộng viễn vông về thành tích nổi bật của con em cũng như thôi huyễn hoặc về chuyện cô “ép”, thầy “đì” thì mới chấm dứt cuộc đua học thêm.

Trả lại bản chất của dạy thêm, học thêm về đúng với hai chữ “tự nguyện”! Giáo viên không được dạy thêm trực tiếp học sinh đang đứng lớp. Nếu thầy cô nào vi phạm, ngành giáo dục cần mạnh tay xử lý bằng hình thức buộc thôi việc, cho vào đối tượng tinh giản biên chế. Tôi nghĩ nghiêm khắc như thế mới đủ sức răn đe!

Nguyễn Thùy
Nguồn: Báo Dân Trí
----
Tuổi thơ các con trôi qua từ lúc nào và hành trang mang theo chỉ có mấy chữ “học”, “học” và “học”.
----

Chia sẻ bài này

Xem thêm

Hệ lụy của “vấn nạn” dạy thêm, học thêm
4/ 5
Oleh
Loading...