Xin cho tôi được đánh học sinh bằng lương tâm của nhà giáo

“Chiều về nấu cơm nghe chuông điện thoại reo là sợ lắm các bậc phụ huynh à! Nồi cơm của mình mà, lỡ có ai thưa kiện thì không có gạo để nấu. Biết vậy nhưng tôi vẫn phải đánh học sinh. Phụ huynh có thưa kiện lên Ban giám hiệu nhà trường thì tôi xin nhận kỷ luật. Làm nhà giáo mà sợ lá đơn để học sinh của mình không tiến bộ thì tôi không làm được”.

“Chiều về nấu cơm nghe chuông điện thoại reo là sợ lắm các bậc phụ huynh à! Nồi cơm của mình mà, lỡ có ai thưa kiện thì không có gạo để nấu. Biết vậy nhưng tôi vẫn phải đánh học sinh. Phụ huynh có thưa kiện lên Ban giám hiệu nhà trường thì tôi xin nhận kỷ luật. Làm nhà giáo mà sợ lá đơn để học sinh của mình không tiến bộ thì tôi không làm được” - cô Ngô Thị Tuyến, giáo viên Trường tiểu học Tân Bình (Đồng Xoài) phát biểu trong buổi họp phụ huynh của lớp 33 vào cuối tuần qua.
Học sinh Trường mầm non Vietstar (Đồng Xoài) trong giờ ra chơi - Ảnh tư liệu minh họa

“Thưa các bậc phụ huynh, trong thư mời 7 giờ bắt đầu họp. Bây giờ là 7 giờ 30, mời các bậc phụ huynh chúng ta vào nội dung cuộc họp. Giờ dây thun của chúng ta dài quá”.

“Chiều hôm qua, tôi đã ghi tên từng em ở vị trí ngồi trong lớp. Xin mời các bậc phụ huynh ngồi đúng vị trí tên của con em mình để đặt mình vào việc học của các cháu, chúng ta cùng trao đổi, thảo luận. Trước hết xin mời các bậc phụ huynh nhìn thẳng vào sự thật chất lượng học tập của con em mình trong năm học vừa qua để có ý kiến trao đổi. Tôi muốn nghe những lời rất thật từ phụ huynh” - cô Tuyến mở đầu buổi họp phụ huynh bằng hàng loạt vấn đề như thế.

Một cánh tay từ phía phụ huynh đưa lên.

“Xin mời chị!”.

“Cháu ở nhà rất nhanh nhẹn. Năm học vừa rồi cháu vẫn được nhận thưởng sau khi kết thúc năm học. Cách đây 3 hôm, bà nội của cháu mới phát hiện cháu đọc không được. Lớp 3 mà tiếng Việt đọc chưa được thì sắp tới học tiếng Anh sao được. Tại sao cháu vẫn lên lớp? Tôi rất sợ năm nay cháu học không được nhưng vẫn lên lớp”.

“Xin mời các bậc phụ huynh tiếp tục cho ý kiến. Không sao cả, chúng ta cứ nhìn thẳng vào sự thật để mất lòng trước được lòng sau”.

5 phút rồi 10 phút, cuộc họp trôi qua trong im lặng. Cô Tuyến tiếp tục nói: “Sao vậy? Lớp chúng ta có đến 9 trường hợp như vừa rồi, sao mới có một ý kiến, các phụ huynh còn lại đâu rồi?”.

“Thưa các bậc phụ huynh! Tôi đứng lớp đến nay đã 23 năm. Tôi tiếp nhận lớp 33 được 3 tuần rồi. Tôi đã hiểu được phần nào chất lượng học tập của con em lớp chúng ta. Em Vinh thường nhìn bầu trời qua cửa sổ rồi cười một mình trong lúc cô đang giảng bài. Em Nhật đọc được 5 dòng là mồ hôi đầm đìa. Điều đó cho thấy cháu đã rất cố gắng, đã vận dụng tất cả các khả năng mình có thể...” - cô Tuyến cho biết.

“Hôm vừa rồi có một cháu nghỉ học nhưng không xin phép cô giáo. Lý do nghỉ học để đi ăn đám cưới. Thử hỏi phụ huynh là giáo viên như tôi sẽ nghĩ gì? Ở những trường vùng sâu, vùng xa các cháu tự đi học nên có thể đến trường trễ. Con em ở đây đều do phụ huynh đưa đón cả, việc trễ học hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức và trách nhiệm của phụ huynh.

Lớp chúng ta có đến 9 học sinh đến nay vừa đọc vừa đánh vần. Lớp chúng ta nghịch nhất và chất lượng học tập kém nhất trong khối lớp 3 của trường. Tại sao vậy? Một phần do lỗi của phụ huynh. Tại sao? Tại chúng ta chưa thật sự quan tâm đến việc học của chính con em mình” - cô Tuyến nhận định.

“Trong 3 tuần qua, có những em viết không kịp nên ứng phó với giáo viên bằng cách viết một đoạn bỏ một đoạn để theo kịp bạn. Điều đó cho thấy các em đã ý thức được việc học của mình, biết tư duy để tự bào chữa cho mình. Rất tiếc là tư duy đó chưa được chúng ta định hướng một cách đúng đắn”.

Xin các bậc phụ huynh hiểu rõ cho câu tục ngữ của cha ông ta từ ngàn xưa để lại “thương cho roi cho vọt”. Lương tâm và trách nhiệm của một nhà giáo không ai muốn đánh học sinh. Có chăng là muốn học sinh của mình tốt hơn, lễ phép hơn, tiến bộ hơn.

Mỗi một giáo viên luôn có nhiều phương pháp để tiếp cận và dạy bảo học sinh của mình. Có em nói ngon ngọt đến mấy cũng không chịu học. Thế nhưng chỉ cần cầm đến cây thước là lo tập trung học tập ngay. Có em chỉ cần một lời động viên của cô giáo là việc gì làm cũng được.

Do vậy xin các bậc phụ huynh cho phép tôi được đánh học sinh của mình bằng lương tâm của một nhà giáo. Xin các bậc phụ huynh hãy quan tâm tới việc học của con em mình nhiều hơn để giúp chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ của người đưa đò trên dòng sông tri thức. Xin bậc phụ huynh hãy đi họp đúng giờ, hãy nghĩ đến việc học của con em mình trước khi đặt nặng chuyện đi họp để đóng tiền vào đầu năm học mới!

Đông Kiểm
Báo Bình Phước

Chia sẻ bài này

Xem thêm

Xin cho tôi được đánh học sinh bằng lương tâm của nhà giáo
4/ 5
Oleh
Loading...