Sáng sớm thời tiết mát mẻ, cảnh vật hai bên bờ xanh tươi, cây cỏ trĩu nặng những hạt sương. Dòng sông thật yên ả, du khách có thể ngắm nhìn những chiếc thuyền đang giăng câu, chài lưới trên sông. Mặt trời ló dạng sau những hàng cau, hàng dừa ven sông. Các tay máy trong đoàn chúng tôi bắt đầu bấm máy lia lịa.
Chiếc tàu du lịch đưa chúng tôi băng ngang dạ cầu Cần Thơ, cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất tại khu vực Đông Nam Á vừa thông xe ngày 24-4-2010 sau gần sáu năm xây dựng. Hai trụ tháp chính của cầu Cần Thơ có hình chữ Y ngược với hai chân khép vào nhau, dáng rất đẹp và thanh thoát.
Chợ nổi Trà Ôn
Đi thêm 2km nữa, tàu rẽ về hướng Trà Ôn, một huyện thuộc tỉnh Vĩnh Long, trên tuyến đường sông chính từ TPHCM về các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Trên sông, ngày đêm ghe thuyền sinh hoạt tấp nập, xuôi ngược bao đời nay đã hình thành chợ nổi Trà Ôn, nét sinh hoạt độc đáo của vùng sông nước miệt vườn miền Tây Nam bộ.
Cũng như bao chợ nổi khác ở đồng bằng sông Cửu Long, chợ nổi Trà Ôn nhóm dọc theo bến chợ huyện Trà Ôn, cách quốc lộ 1A khoảng 20km đường sông và 17km đường bộ. Đây là chợ nổi cuối cùng trên sông Hậu trước khi ra cửa biển.
Ở hạ lưu, sông Mang Thít nối liền sông Hậu và sông Tiền. Chợ Trà Ôn nhóm ngay khu ngã tư sông Hậu, sông Mang Thít và con kênh do người Pháp cho đào từ đầu thế kỷ 20. Con kênh này được đào để thuận tiện cho việc đi lại giữa các tỉnh miền Tây và vùng Sài Gòn - Chợ Lớn.
Chợ nổi Trà Ôn nhóm họp cả ngày, nhưng nhộn nhịp và đông đúc vẫn là vào buổi sáng sớm và nhất là vào cao điểm của con nước lớn. Việc nhóm họp chợ theo con nước là nét đặc biệt của chợ nổi Trà Ôn so với các chợ nổi khác.
Trà Ôn là một trong những vùng đất cây lành, trái ngọt của đồng bằng sông Cửu Long thơ mộng, trên bờ là những khu vườn, những dãy cù lao cây xanh trái ngọt, dưới sông tàu ghe chuyên chở những sản vật của vùng đất phù sa đến với mọi miền đất nước.
Ở chợ nổi Trà Ôn, tất cả các loại hàng hóa nông sản đều được mua bán theo những nhóm hàng và được phân phối theo dạng bán sỉ. Sản vật chủ yếu ở đây là trái cây, dừa, mít, bưởi, cóc, cam sành, chuối, ổi, dứa… Ghe, thuyền nào mua bán loại nông sản, sản vật gì thì treo những thứ ấy lên một cây sào cao (gọi là cây bẹo) cắm trên thuyền cho bạn hàng nhìn thấy, khi hết hàng thì bẹo được hạ xuống.
Đối với du khách từ xa đến, nhất là với người ngoại quốc, chợ nổi Trà Ôn có sức thu hút mạnh bởi những đặc điểm nói trên. Và một thuận lợi khác là chợ nổi này nằm trên tuyến đường sông tấp nập ghe thuyền từ miệt vườn đi TPHCM và ngược lại nên mà nhiều công ty lữ hành quốc tế đã khai thác tuyến du lịch ăn nghỉ trên thuyền bằng đường thủy xuyên ĐBSCL. Hiện nay, chợ nổi Trà Ôn đã trở thành một điểm du lịch hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước.
Sinh hoạt của các chợ nổi không giống các chợ trên bờ vì cả người bán lẫn người mua đều phải ngồi trên ghe, thuyền nên luôn chuyển động. Sạp hàng, cửa tiệm, thậm chí nơi ở của gia đình cũng đều là trên thuyền, nên luôn di động để đáp ứng nhu cầu mua bán. Ở chợ nổi Trà Ôn, hàng trăm ghe tàu lớn nhỏ đủ loại đậu san sát vào nhau. Cuộc sống thương hồ lênh đênh, rày đây mai đó đã làm cho mọi người trở nên thân thiết, gắn bó với nhau hơn.
Thăm cù lao Mây
Rời chợ nổi Trà Ôn chúng tôi đến cù lao Mây, tham quan các khu vườn trái cây ở Lục Sĩ Thành. Cù lao Mây thuộc hai xã Lục Sĩ Thành và Phú Thành, huyện Trà Ôn, có diện tích khoảng 4.000 héc ta.
Người dân ở đây lưu truyền rằng vào giữa thế kỷ 18, lúc bị Nguyễn Huệ truy đuổi, trên đường bôn tẩu, Nguyễn Ánh và quân sĩ đã xuôi dòng sông Hậu. Nhìn từ xa, cù lao này trông như một vệt mờ màu xanh, thấp thoáng, vắt ngang dòng sông như áng mây trôi là đà trên mặt nước.
Khi đến nơi, Nguyễn Ánh vui mừng khi nhận ra đây có thể là nơi chỗ trú chân an toàn, nằm ngoài vòng kiểm soát của quân Tây Sơn. Ông đặt tên cho cù lao này là Vân Châu; dân chúng nơi đây gọi là cù lao Mây.
Năm 1946, chính quyền đặt tên xã mới thành lập là Lục Sĩ Thành, lấy tên của một chiến sĩ vệ quốc đoàn hy sinh trong trận chiến đấu đầu tiên ở đây. Cái tên vườn Lục Sĩ Thành là từ đó.
Ban đầu, trên đất cù lao Mây có 3 làng, gồm Phú Mỹ, Hậu Thạnh và Long Hưng. Mỗi làng có một ngôi đình riêng. Ba ngôi đình này đều được vua Tự Đức sắc phong Thành hoàng bổn cảnh năm 1852. Hôm đó, chúng tôi đã ghé thăm đình Hậu Thạnh. Đình bao gồm 3 phần: võ ca là nơi xưa kia dùng để đàn hát diễn tuồng; võ qui là nơi hội họp, nhà công cộng và gian chính thờ Thành hoàng bổn cảnh. Phía sau đình là khu thờ Thần Nông, nơi cúng hạ điền hàng năm.
Lục Sĩ Thành có nhiều vườn trái cây sum xuê như chôm chôm, măng cụt, cam quít… rất lý tưởng cho khách du lịch đến tham quan nghỉ ngơi. Đường vòng chung quanh cù lao Mây dài chừng một buổi đi xe đạp. Dọc theo đường có nhiều nơi làm bánh tráng (loại bánh tráng cuốn). Ở đây cũng có nhiều lò làm bánh tráng xuất khẩu. Thường thì các hộ gia đình này làm bánh tráng vào buổi sáng.
Tuyến du lịch Trà Ôn có cơ hội thu hút nhiều khách tham quan sau khi cầu Cần Thơ hoàn thành, đường bộ từ TPHCM nối liền toàn bộ khu vực đồng bằng sông Cửu Long, phần nào đó tạo thêm sự phong phú về sản phẩm du lịch cho miệt vườn sông nước phương Nam.
Theo Kim Dung (The Saigon Times)
Du lịch, GO!
Chia sẻ bài này
Ngao du sông nước miệt vườn
4/
5
Oleh
Unknown