< Cổng đình Hậu Thạnh.
Để cầu cho mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt, cuộc sống yên vui, con người mạnh khỏe, họ xây dựng ngôi đình này bằng cây lá đơn sơ, mặt nền lót gạch tàu. Về sau, đình được tu bổ khang trang như hiện nay.
Đình Hậu Thạnh xây dựng trên nền cao, chạy viền gạch thức (loại gạch lớn gấp đôi, gấp ba gạch tiểu hiện nay), mặt lót gạch tàu. Chống đỡ mái vòm ngoài là hàng cột gạch tường vôi, bên trong là các cột, kèo, rui, mè bằng gỗ quý.
Nóc đình lợp ngói miếng. Trên đầu mái Võ quy là tấm hoành phi “Hộ quốc tùy dân” (Giúp nước vì dân) và 7 cặp liễn đối chữ nho ca ngợi những người có công tạo dựng ngôi đình này. Nhà Võ ca, Võ quy thiết kế kiểu bát dần - đặc trưng kiến trúc nhà Nam bộ. Nổi bật lên là Chánh điện, gồm 3 tầng mái hình tháp, trên đầu nóc có hình tượng lưỡng long chầu nguyệt. Qua ba cửa tiền điện, phía trên tường có gờ cuốn hoa văn họa tiết khéo léo.
Vào bên trong là không gian tĩnh mịch, trên cao là bàn thờ Thành hoàng bổn cảnh, với bức hoành phi lớn có bốn đại tự “Hậu dụ tiền tiên” (Rạng danh đời trước, đời sau nêu gương). Các cột tứ trụ cao 10m, bề hoành gần 1m. Ốp vào các cột này là các liễn đối chữ nho: “Thạnh danh truyền vũ trụ, an bang tế thế thiên thu đầu thường tân”, “Hậu đức phối càn khôn, hộ quốc tỳ dân vạn cổ anh linh như cựu”... Đình còn có các bàn thờ theo tín ngưỡng dân gian, như: Bạch mã, Thái giám, Tiên sư, Tố công tiền hậu hiền, Tố sư, Tiên triều. Đáng chú ý là hai bàn thờ Thủy thần - đây là nét đặc trưng của đình mà không đình nào ở Nam bộ có. Đó là vì đình nằm trên cù lao giữa sông Hậu, nơi cư dân sống nghề “hạ bạc”, nên việc thờ cúng Thủy thần là điều cần thiết. Các bệ thờ này đều có khánh bằng gỗ quý, có liễn chữ nho nhũ vàng bóng loáng.
Chánh điện đình uy nghiêm với các bộ lỗ bộ, gươm lệnh, tàn lộng, cặp hạc trên lưng quy, tráp đựng sắc... Đặc biệt, trên tầng mái thứ hai của đình có các bức tranh mô tả phong cảnh, chim muông... dưới nét vẽ tài hoa của nghệ nhân xưa bằng một loại sơn ta dù đã trải qua hàng trăm năm vẫn còn tỏ rạng nét màu.
Như các ngôi đình khác vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đình Hậu Thạnh còn có nền Xã tắc thờ Thần nông phía sau đình. Miếu thờ Thần nông mang ý nghĩa biểu trưng cuộc sống nông nghiệp là chính yếu của cư dân địa phương.
Đình Hậu Thạnh không chỉ là nơi lưu dấu việc hình thành làng Hậu Thạnh xưa, là nơi đáp ứng tín ngưỡng dân gian, mà còn là một nơi tạo dựng cơ sở cách mạng, nơi giao tiếp, hội họp, diễn đàn hợp pháp để đấu tranh với giặc. Trong phong trào Cần vương, nhiều sĩ phu yêu nước đã về đây mở lớp dạy học, truyền bá quốc ngữ, mở mang dân trí, dân sinh. Lúc bấy giờ, tại đình, các hội yêu nước lần lượt ra đời, như: Hội Ái hữu tương tế, Hội Khuyến học... Trong kháng chiếc chống Pháp và Mỹ của nhân dân ta, đình Hậu Thạnh đã nhiều lần chở che cán bộ cách mạng về đây hoạt động, phát triển phong trào, nhiều lớp văn hóa mở ra cho con em trong làng học tập, huấn luyện quân sự cho thanh niên nam nữ yêu nước...
Năm 1946, thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến, vườn không nhà trống, ban hội hương đình cùng dân làng đồng tâm phá bỏ các bức tường quanh đình để giặc Pháp không chiếm đóng đình làm đồn. Một số cây sao, dầu trong sân đình được nhân dân đốn hạ để cách mạng đóng ghe, xuồng phục vụ kháng chiến. Năm 1949, cơ quan hành chánh kháng chiến dùng đình làm nơi tập luyện quân sự, đặt sở chỉ huy để chỉ huy phong trào cách mạng, làm nơi hội họp, vạch kế hoạch tiêu diệt bọn bảo an đi lùng sục tiêu diệt chiến sĩ ta, bảo vệ vững chắc cơ sở...
Năm 2005, đình Hậu Thạnh được tỉnh Vĩnh Long xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Tháng 5-2007, đình được Bảo tàng Vĩnh Long đầu tư 400 triệu đồng trùng tu lại rất khang trang.
Theo Cúc Tần (Báo Hậu Giang)
Du lịch, GO!
Chia sẻ bài này
Đình Hậu Thạnh - Vĩnh Long.
4/
5
Oleh
Unknown