Nơi đất trời giao duyên

(TTCT) - Khách du lịch thường ưu ái vùng núi tây bắc với Hà Giang, Sa Pa hơn là vùng phía đông bắc như Cao Bằng hay Bắc Kạn. ​Không hiểu có lý do gì nhưng quả thật cảnh đẹp nơi đây “hớp hồn” người phương Nam…

Quốc lộ 3 nối Hà Nội với Cao Bằng là một cung đường hơn 300km tuyệt đẹp cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Bỏ lại thành phố Thái Nguyên sau lưng, đường đưa ta vào một vùng sơn cước bao la với núi đá vôi xen núi đất và những thung lũng phì nhiêu, xanh mướt màu lúa đang trổ bông và ruộng ngô (bắp) lẫn hoa màu. Từ Bắc Kạn tới Cao Bằng (120km) đường trở nên hẹp và dốc hơn với những đoạn cua gấp thót tim trên nhiều đèo cao như đèo Giàng, đèo Gió, đèo Khau Khoang, đèo Cao Bắc. Bù lại, cảnh trí nơi đây thật tuyệt vời.

Có cảm giác như  xe đang trôi đi giữa lưng chừng trời, lơ lửng giữa không trung và những cánh rừng, cảm giác như sắp va vào núi chạm vào mây dù độ cao nơi đây chỉ khoảng 1.000m so với mực nước biển.

Phố rừng hay rừng trong phố

Sau gần tám giờ trên xe, cuối cùng Cao Bằng cũng hiện ra trước mắt. Thành phố nhỏ trên cao nguyên đá vôi ở độ cao 600-1.300m này có chưa tới 100.000 dân. Hầu như không thấy khách du lịch, trừ một hai nhóm phượt chúng tôi gặp trên đường. Cả thành phố toát lên một vẻ duyên dáng, dù hơi xưa cũ nhưng chân tình và dễ mến như những cư dân của nó. Tôi không muốn dùng từ “phố núi” cho Cao Bằng. Với tôi, phố núi là Pleiku, là cái gì đó mang tính “phố” nhiều hơn. Cao Bằng là một “phố rừng”, một “phố” vẫn còn rất đậm chất hồn nhiên, thô mộc của rừng núi.

Pha lẫn với cái duyên của những điệu lượn, điệu then, Cao Bằng đẹp như một cô gái Tày hiền dịu giữa non xanh nước biếc. Cung đường gần 100km từ thành phố Cao Bằng đi huyện Trùng Khánh đẹp và thơ mộng còn hơn cung đường Bắc Kạn - Cao Bằng. Hành trình băng qua đèo Mã Phục, một trong những con đèo hiểm trở, là một “tour” mãn nhãn với cảnh quan đẹp nhất vùng rừng núi phía Bắc.

Hai khối đá vôi hình con ngựa nằm phủ phục bên đèo đã thành tên của con đèo. Với bảy vòng dốc để có thể lên tới đỉnh cao 620m, đèo này thật sự là một thử thách cho cả người lái lẫn người ngồi trên xe.

Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là động Ngườm Ngao (hang Hổ) thuộc bản Gun, xã Đàm Thủy. Động này do một người Pháp phát hiện vào năm 1921, có chiều dài khoảng 2km với ba cửa chính. Tên gọi của động bắt nguồn từ truyền thuyết về những con hổ từng sinh sống trong hang, là những lính canh kho báu của ngọc hoàng.

Để vào được động, du khách phải leo qua một ngọn núi nhỏ rồi đi bộ xuyên qua thung lũng, tổng cộng khoảng 3km. Cũng là một trải nghiệm lý thú khi tự nhiên lọt thỏm giữa trùng điệp núi non và những ruộng bắp cao ngang ngực.Có một cảm giác thật lạ ngay khi bước vào cửa động rộng khoảng 1m. Một luồng gió ào ạt, mát lạnh thổi ra từ bên trong khiến bao mệt nhọc nóng bức dường như tan biến hết.

Ngườm Ngao được hình thành trong một dãy núi đá vôi, nhờ sự kết tủa của canci cacbonate nên những thạch nhũ ở đây óng ánh rất đẹp. Rất nhiều thạch nhũ mọc từ dưới lên, kết hợp với những măng đá dài rủ từ trên xuống tạo ra nhiều hình khối đẹp và không gian đa dạng. Những vết tích của dòng chảy trong lòng động đã tạo nên vô số nếp gấp sinh động lạ thường trên bề mặt động, làm nên điểm đặc biệt của động này so với những động khác mà chúng tôi từng đến.

Có cả một xã hội nhỏ của người Tày trong động: đây là ruộng bậc thang, kia là một cánh rừng già, đó là chiếc giường tiên, căn gác bếp, cây tơ hồng, chiếc đàn đá, mẹ Âu Cơ, bông sen úp ngược, thác nước và đủ loài muông thú.

Thác Bản Giốc là đây

Một trong những điểm tham quan chính tại Cao Bằng là thác Bản Giốc, nằm cách động Ngườm Ngao khoảng 5km, trên sông Quây Sơn bắt nguồn từ Trung Quốc. Lòng sông tới đây đột ngột hạ độ cao 35m và tạo ra con thác lớn gồm thác chính có ba tầng và thác phụ có ba dòng với tổng chiều dài là 208m, ngăn cách nhau bởi những lùm cây. Thác chính dài và rộng nằm giữa biên giới Việt - Trung với một phần nhỏ nằm bên phía Trung Quốc (theo hiệp ước biên giới năm 1999), phần lớn của thác chính và toàn bộ thác phụ nằm trên đất Việt Nam.

Theo Wikipedia, thác Bản Giốc là thác nước lớn thứ tư thế giới trong các thác nước nằm trên một đường biên giới giữa các quốc gia. Vẻ đẹp đặc biệt của Bản Giốc nằm ở thác chính với ba tầng thác cao độ chênh nhau tới hơn 30m, khiến dòng thác chảy trên những phiến đá ào ạt tung bọt trắng xóa, không đơn điệu như những thác khác chỉ đổ từ một tầng trên cao xuống.

Phong cảnh tại thác vô cùng hữu tình với những nét hoang sơ nhờ dòng sông xanh biếc uốn lượn giữa cánh đồng cỏ dại và ruộng lúa thơm ngát dưới chân thác.

Hồ Thang Hen (theo tiếng Tày nghĩa là đuôi ong, dựa theo hình dáng của hồ) thuộc huyện Trà Lĩnh cũng là một điểm du khách không thể bỏ qua khi tới Cao Bằng. Đến Thang Hen để nghe truyền thuyết về chàng Sung và nàng Booc, vì quá yêu thương quyến luyến nhau nên chàng quên ngày về kinh nhậm chức.

Đến đêm thứ bảy sực nhớ ra, mới chạy được 36 bước chân thì chàng ngã đập đầu vào vách núi và lìa đời. Nơi chàng ngã xuống chính là hồ Thang Hen ngày nay. 36 bước chân của chàng nay chính là 36 cái hồ thuộc quần thể hồ Thang Hen.

Các hồ được ngăn cách bằng những vách núi đá cao dựng đứng từ 5-30m, nhưng lại thông nhau qua một hệ thống động ngầm dưới nước. Vì thế ở một số nơi trong lòng hồ có thể đi thuyền luồn qua hang. Một ngày có hai lần thủy triều lên và xuống.

Hồ Thang Hen lớn nhất trong các hồ với chiều dài gần 2km, rộng 500m, sâu 40m. Chúng tôi đã rất may mắn khi gặp một cơn mưa nhỏ đúng lúc đang ngồi trên thuyền. Mưa như một lớp màn mỏng trong suốt giăng giăng trên sườn núi cao khi mặt trời đang khuất dần sau những rặng núi.

Nắng chiều rơi rớt xuyên qua lớp màn mưa, rải những tia nắng lấp lánh xuống mặt hồ. Hiếm khi nào thấy được những tia nắng mặt trời lại bàng bạc như ánh trăng lung linh trên mặt nước như buổi chiều hôm ấy ở lòng hồ Thang Hen.

Rời Cao Bằng với ấn tượng về một vùng đất lịch sử mà hữu tình, quê hương của những con người chân tình như lá như cây. Rời Cao Bằng với một chút bâng khuâng nhớ những điệu then dặt dìu dưới mái nhà sàn giữa bạt ngàn núi rừng tre xanh. N

Nhớ những người bạn Tày nồng ấm với những chén rượu giao bôi mỗi khi gặp mặt, tục “tặng hoa” bằng chén rượu ngô nồng nàn sau mỗi câu hát. Và nhớ mãi câu thơ: “Uống rượu bắt tay, biết ngay Cao Bằng”. Nhớ mãi nơi đất trời giao duyên.

Theo Trần Thùy Linh (Tuổi Trẻ Cuối Tuần)
Du lịch, GO!

Chia sẻ bài này

Xem thêm

Nơi đất trời giao duyên
4/ 5
Oleh
Loading...