Việt Nam có nhiều thác nước hùng vĩ, đẹp, như Đambri (Bảo Lộc), Datanla, Pren (Đà Lạt), Trinh nữ, Đraynu, Đraysap (Đắc Lắc)...Tuy vậy, thác nước được coi là lớn nhất, đẹp nhất Việt Nam là thác Bản Giốc. Thác Bản Giốc nằm tại xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, cách thị xã Cao Bằng gần 90 km.
Từ Hà Nội, chúng tôi đi ô tô lên Cao Bằng. Cảnh sắc tuyệt vời và khí hậu mát mẻ của miền Đông Bắc với đồi núi chập chùng, những cánh rừng xanh ngắt, những nương lúa rập rờn…khiến con đường gần 300 km như ngắn lại rất nhiều.
Đúng là muốn chinh phục “người đẹp” Bản Giốc không dễ dàng. Đường hẹp, lại quanh co, khúc khuỷu và đang được nâng cấp mở rộng nên rất khó đi. Tuy vậy, do quen thuộc địa bàn nên người lái xe đưa chúng tôi vượt qua những ổ voi, ổ gà, những vũng nước, hố ga, những hẻm đá, bờ vực…một cách an toàn. Hơn thế, cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, với trời xanh mây trắng, màu xanh ngút ngàn của những nương ngô, màu đỏ của đất đá… làm du khách quên đi nỗi vất vả trên những con đèo uốn lượn, những khúc cua quanh co, những khúc gấp bất ngờ chật hẹp…
Ai đó đã nói: “Cứ đi rồi sẽ đến” , quả thế! Con đường gian nan đã ở lại phía sau. Trưa, khi xe dừng lại, chúng tôi nghe thấy tiếng nước chảy rào rào, rất gần, như ngay sát bên cạnh. Đến rồi! Người lái xe hồ hởi thông báo. Song, thật ra dòng thác huyền thoại nằm ở thung lũng dưới chân núi, cách nơi chúng tôi đang đứng một khoảng cách khá xa. Từ nơi này có thể nhìn thấy những cột nước trắng xóa tuôn trào từ trên đỉnh, như những thảm lụa trắng mềm mại, nổi bật trên màu xanh của núi rừng và cây cỏ. Bọt nước tung lên cao, vỡ òa, tạo thành màn sương lung linh, khi ẩn khi hiện mờ ảo trong ánh nắng mặt trời rực rỡ.
Theo con đường dốc nằm giữa các ngọn đồi xanh rì, qua cây cầu ván thơ mộng bắc trên dòng suối nhỏ trong vắt, chúng tôi tiến dần về phía thác. Trong cuốn Dư địa chí Cao Bằng có viết: “Con sông Quây Sơn chảy từ Trung Quốc vào Việt Nam qua Bản Giốc, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh thì tách ra thành nhiều nhánh rồi đột ngột hạ thấp xuống 35 m tạo thành thác có 3 tầng”. Nhờ những triền đá, mỏm đá, bậc đá, kè chắn… lởm chởm, mấp mô, dòng nước sông Quây Sơn bị chia thành nhiều nhánh, tạo nên vẻ đẹp kỳ diệu hiếm có của thiên nhiên nơi này.
Thác Bản Giốc bao gồm hai phần: Thác chính ở phía bắc là “thác ba tầng”, gồm ba bậc nước chênh nhau đến 34m. Thác phụ ở phía nam cũng gồm ba dòng thác, nhưng nằm ở độ cao ngang nhau, cao hơn thác chính nên được gọi là “thác cao”. Hai phần thác chính và phụ của Bản Giốc ngăn cách nhau bằng một ngọn đồi xanh ngắt. Ngày đêm thác nước cuồn cuộn đổ xuống những tảng đá phẳng làm tung lên vô vàn hạt bụi li ti trắng xóa như sương khói, bao trùm cả không gian. Vào những ngày nắng, làn hơi nước tạo thành cầu vồng lung linh huyền ảo. Dưới chân thác là mặt hồ rộng, phẳng lặng, nước trong vắt, soi bóng thác đổ. Bên bờ hồ là những thảm cây cỏ, lúa xanh rì.
Để đến tận nơi chiêm ngưỡng dung nhan “công chúa”, chúng tôi lên chiếc bè (mảng), do người bản địa chèo lái. Sau chút chênh chao ban đầu, chiếc bè băng băng lướt trên mặt hồ, đưa cả đoàn thẳng tiến về phía trước. Sau khi dạo một vòng quanh thác, chiếc bè áp sát vào chân thác. Càng đến gần, không khí càng mát rượi trong màn bụi nước bãng lãng sương khói. Ai cũng ấn tượng trước Bản Giốc cuốn hút, đẹp đến ngỡ ngàng.
Theo BPO
Du kịch, GO!
Chia sẻ bài này
Thác Bản Giốc lớn nhất Đông Nam Á
4/
5
Oleh
Unknown