Còn nhớ, hồi cuối năm 2011, nhân chuyến công tác lên huyện vùng cao A Lưới, tôi đã “thất bại” trong hành trình đến với bản Hu, bởi khi lội rừng chưa được một cây số, đã gặp cơn mưa rừng tầm tã, trời tối u không tài nào bước chân được. Lần này, sau gần 3 năm, tôi đã may mắn thực hiện được chuyến đi đến “ốc đảo” giữa vùng biên giới Việt - Lào.
Vắt rừng
Hai giờ chiều, từ trung tâm xã biên giới Hồng Vân, đi về phía đèo Pê Ke chừng 4km đường Hồ Chí Minh, chúng tôi có mặt tại chân núi A Nung để bắt đầu cuộc hành trình vào “ốc đảo”. Chàng trai Hồ Văn Phê, người dân tộc Pa Cô, nhà ở trung tâm xã Hồng Vân, tình nguyện dẫn đường, cho biết, phải mất gần 4 giờ băng rừng mới đến được bản Hu.
“Đường lên Hu có nhiều đoạn chỉ đủ chân một người đi, một bên đồi cao, một bên vực thẳm. Các nhà báo phải cẩn thận, nếu không may sẩy chân thì coi như... về với Giàng đó…” - Hồ Văn Phê cảnh báo chúng tôi trước khi lên đường.
Vượt đường dốc độ nửa giờ, chúng tôi bắt gặp một con suối nước chảy cuồn cuộn, trông rất hung dữ như thể muốn nuốt chửng những ai muốn băng qua nó. Đang rón rén lần theo từng bước chân của Phê thì trời lại đổ mưa khiến con đường nhỏ vào bản Hu vốn đã nhỏ hẹp, lúc này như bị nước xé toạc thành những hố, rãnh khiến càng khó đi hơn. “Nhanh chân lên, kẻo không thấy đường lên bản mô…”, chàng trai Pa Cô hối thúc.
Tiếp tục ngược dốc khoảng hơn 2 giờ nữa, theo hướng tay Phê chỉ, chúng tôi thấy mấy nóc nhà hiện ra lờ mờ trong mây núi, tưởng chừng có thể với tay là tới, nhưng Phê cho biết mới đi được hơn nửa đoạn đường. Thật may, cơn mưa rừng xối xả một lúc rồi thưa dần nên hành trình của chúng tôi không bị ngắt quãng. Nhưng lúc này lại xuất hiện nguy cơ mới: Những con vắt trong cơn đói khát đã bám chặt vào đôi chân của tôi và người đồng nghiệp, máu chảy loang lổ tự lúc nào không hay.
Sau khi phát hiện bọn vắt tấn công chúng tôi, nhanh như sóc, Phê lẩn vào vạt rừng bên sườn núi và sau vài phút trở ra với mấy đọt lá rừng trên tay. “Vùng này nhiều vắt lắm! Loài này thường bám vào chân hút máu người đến khi nào cái bụng phình to mới chịu nhả ra. Đây là lá rừng, tên gì em không biết nhưng người Pa Cô thường dùng để trị vắt. Chỉ cần nhai dập ra rồi quệt vào nơi vắt bám là chúng sẽ buông tha…” - Phê hướng dẫn.
Lam lũ bám trụ
Đêm bản Hu thật vắng lặng và lạnh lẽo, chỉ có tiếng côn trùng rả rích, tịnh không một bóng người qua lại. “Thường 7 giờ tối, mình đã đóng cửa ngủ vì chẳng còn việc gì để làm. Nhưng hôm nay có khách quý nên phải thức khuya uống rượu cho vui mới được…”, ông Hồ Tung, chủ ngôi nhà gỗ nhỏ, vừa mồi lửa nướng ít khô nai để nhắm rượu, vừa nói với chúng tôi.
Ngồi quanh bếp lửa, nhâm nhi ly rượu sắn trong đêm giữa đại ngàn Trường Sơn, chúng tôi được nghe kể về “sự tích” bản Hu cùng câu chuyện mưu sinh của những con người bao năm sống lặng lẽ trong rừng sâu này. Ông Hồ Tung bảo, Hu thực ra là một bản “vệ tinh” thuộc thôn A5. Người ta hay gọi bản là thung Hu vì bản nằm gọn trong một thung lũng khá lớn giữa một bên sườn của dãy A Nung. Ở đây, dù là nơi sơn cùng thủy tận, nhưng nhờ Giàng thương, người Pa Cô rất khỏe mạnh, ít khi bị dịch bệnh “sờ” tới. Con cái sinh ra, đứa nào cũng lớn khỏe như... Thạch Sanh. “Đất ở đây hiền lắm”, ông Tung nói rồi “khà” một tiếng sảng khoái sau ly rượu dốc ngược “trăm phần trăm”.
Theo ông Tung, không biết tên bản Hu có từ bao giờ nhưng nghe người già kể lại thì từ thời người Pháp còn ở Huế, thỉnh thoảng tổ chức lên A Lưới săn hổ, săn voi thì đã có người Pa Cô sống ở đây. Trong thời chống Mỹ, do nằm cạnh đường mòn Hồ Chí Minh, bom đạn ác liệt nên người Pa Cô ở bản Hu sơ tán vào rừng sinh sống, lánh nạn. Hòa bình lập lại, một số người kéo nhau về lại thung lũng để phát, đốt, cốt, trỉa làm nương rẫy.
Cũng theo người già kể lại thì ở bản Hu trước đây, trẻ con sau 7 tuổi đã biết cầm dao theo cha vào rừng lấy củi. Do sống hoàn toàn cách biệt với thế giới bên ngoài, nên sinh hoạt hoàn toàn tự cung tự cấp, cho đến trước những năm 1990 vẫn không biết đến tiền là gì. “Cơm ăn, đồng bào mình làm từ lúa rẫy. Còn thức ăn mình săn bắn thú trên rừng hay bắt cá dưới suối…”, anh Hồ A San, một trong những người dân “nguyên gốc” ở bản Hu, nay đã chuyển về bản A5 sinh sống nhưng vẫn xem hạt bắp, củ sắn được làm ra ở nơi đây là nguồn sống chính, nói.
Nghe anh San giãi bày với khách, ông Hồ Tung bổ sung, đường sá đi lại khó khăn, từ bản Hu xuống đến thôn A5, người khỏe cũng phải mất cả buổi mới đến nơi, nên dăm bữa, nửa tháng, người dân ở đây mới ra khỏi rừng để đổi ngô (bắp), sắn (khoai mì) lấy các nhu yếu phẩm cần thiết. Thương đời sống dân bản vất vả, nhiều lần chính quyền động viên xuống vùng dưới sinh sống nhưng đồng bào không chịu. “Dân bản sống quen ở đây rồi nên không thích đi” - ông Hồ Tung bảo vậy.
Cũng theo ông Tung, sau thời gian dài vận động, phần lớn gia đình ở bản Hu đã nghe theo cán bộ về thôn A5 định cư. Yên ấm nơi vùng đất mới nhưng nhiều hộ vẫn xem thung lũng nơi bản cũ là “căn cứ địa” để trồng thêm ngô, sắn. Đất rẫy ở đây rất màu mỡ nên những người đã ra sinh sống ở ngoài bản A5 tiếc lắm. Họ rủ nhau cùng vào cuốc rẫy trồng sắn, chăm ngô khoảng một tuần rồi trở ra. Nhiều nhà đông nhân lực có cả vài hécta đất sản xuất theo kiểu trang trại, điển hình như gia đình chị Kăn Chúc, đã trở nên khá giả nhờ phát triển kinh tế vườn - rừng ở thung Hu.
Với hơn 3ha đất rẫy, bằng sự chịu thương, chịu khó của mình, hai vợ chồng Kăn Chúc trồng xen cây sắn, khoai, chuối để chăn nuôi trâu, bò. Ngoài ra, họ còn trồng thêm mía và hoa màu, mỗi năm cho thu nhập 30 - 50 triệu đồng.
Hoa sim phủ kín đường rừng
Một đêm, một ngày khám phá hơn trăm hécta rẫy của bà con ở thung Hu, tuyệt nhiên chúng tôi không thấy một triền đồi, vạt núi nào có dấu hiệu rừng bị đốt để làm rẫy. Về “sự lạ” này, anh Hồ A San bảo, từ khi người bản Hu được nhập hộ khẩu vào thôn A5, đời sống của đồng bào Pa Cô đã được cải thiện đáng kể. Bây giờ, nhà nào cũng có ti vi để xem, những ánh đèn dầu leo lắt hết đời này qua đời khác được thay bằng ánh điện sáng trưng.
Vì thế ý thức của người dân đã có bước chuyển mới, trong đó có việc tự giác bảo vệ rừng. Vào canh tác ở thung Hu, tất cả các hộ đều cam kết không đốt phá rừng với thôn, với xã. Đấy không chỉ là cam kết suông mà đã trở thành ý thức của bà con. “Đồng bào không đốt rừng vì đã hứa với cán bộ rồi. Mùa khô, còn phải chủ động phòng cháy chữa cháy nữa…” - anh San nói.
Có lẽ, vì “lời hứa” trên nên những cánh rừng trên vùng biên giới này hầu như chưa bị tác động bởi bàn tay khai phá của con người. Cuối hè, chớm thu, màu tím của hoa sim phủ kín những con đường mòn dẫn vào các khu rừng nguyên sinh.
Bên những con suối ngày đêm tung bọt trắng xóa, róc rách chảy mang nguồn sống về hạ nguồn là những cây cổ thụ với vô số giò phong lan tự nhiên treo vắt. Nó như muốn minh chứng sức sống của đại ngàn và sự bền bỉ, can trường của những con người Pa Cô “con cháu Bác Hồ” đang ngày đêm vượt khó để tạo dựng cuộc sống giữa đại ngàn biên giới…
Theo Minh Tuấn (Sàigòn Giải Phóng)
Du lịch, GO!
Chia sẻ bài này
Trở lại thung Hu
4/
5
Oleh
Unknown