Nhớ món lịch mùa lụt

(TTO) - Có thể nói lịch mùa lụt là món quà dân dã, quý giá mà tự nhiên đã ban tặng cho người dân xứ Quảng. Hỡi khách lãng du! Hãy về vùng hạ lưu sông Thu Bồn mùa nước lụt.
“Tháng mười, vác nhủi ra đồng,
Cá chưa đầy giỏ thì không chịu về”

< Bề ngoài, lịch trông giống như lươn, thân tròn, đầu nhọn, da trơn nhẵn bóng.

Hầu như cư dân sống ven đôi bờ hạ lưu con sông Thu Bồn (Quảng Nam) quê tôi, ai cũng thuộc câu ca dao này. Bởi giống như lời hẹn ước, cứ đến độ tháng chín, tháng mười âm lịch hàng năm những cơn mưa dài ngày khiến lũ từ trên thượng nguồn đổ về mang theo phù sa và nhiều loài cá nước ngọt.

Đây cũng là thời điểm bước vào mùa đi lưới, đi nhủi, đi câu các loại cá chép, mè, rô, cá ngạnh... và cả con lịch - món quà thiên nhiên quý hiếm chỉ có trong ngày nước lụt. Bề ngoài, lịch trông giống như lươn, thân tròn, đầu nhọn, da trơn nhẵn bóng. Lịch có nhiều loại, lịch cát màu da giống hệt như màu cát, lịch màu da đỏ chói như máu tươi được gọi là lịch huyết đỏ.

Từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch là mùa lịch tức trứng, chúng chui ra từ các hang hốc bơi tung tăng trong lòng suối để giao phối và bị cuốn xuôi theo dòng nước lũ. Chỉ vài giờ quần trong dòng nước chảy đục ngầu, ngư dân có thể kiếm cả chục ký lịch, con nào con nấy bụng căng đầy trứng.

< Lịch nấu canh chua tuy dân dã, nhưng hương vị không lẫn so các món nấu chua khác.

Bắt lịch không chỉ là thú vui nơi thôn dã lúc nông nhàn mà còn giúp tăng thêm nguồn thức ăn hằng ngày, tăng thêm thu nhập cho gia đình. Lịch có thể chế biến thành nhiều món. Món nào cũng tuyệt, cũng tạo hương vị đậm đà khó quên như lịch hấp rau ngổ, lịch nướng lá lốt, lịch um nghệ. Nhưng đối với nhiều người dân ở vùng hạ lưu sông Thu Bồn, món lịch nấu canh chua, xào măng và nấu cháo vẫn luôn hấp dẫn so với những món ăn khác.

Lịch bắt được hay mua về bỏ vào thau nước muối cho lịch quẫy vùng, nhả bớt chất nhớt và đừ. Lúc này các bà nội trợ mới dùng lá tre vuốt cho sạch nhớt trên mình lịch, bỏ ruột rồi rửa sạch, để ráo.

< Món lịch xào măng là món khoái khẩu nhất cho dân nhậu lai rai.

Dân sành ăn hay dân nhậu thường thích món lịch xào măng. Món này nhất thiết phải có nghệ. Người thôn quê không mấy ai dùng bột nghệ mà phải là nghệ củ tươi có mùi thơm và màu vàng rực. Lịch sau khi làm sạch chặt từng khúc nhỏ cho vào nồi ướp bằng muối hầm, bột ngọt, tiêu, ớt, nghệ độ mươi phút thì bắt lên chảo um. Đợi lịch sôi vài ba dạo bỏ thêm măng vào để lửa liu riu. Khi chất béo từ thịt lịch tiết ra, thấm qua lớp măng, tỏa hương thơm ngào ngạt là món xào đã hoàn thành. Lịch xào măng ăn nóng kèm bánh tráng nướng rất thơm, ngọt và dậy mùi. Vào những ngày trời mưa dầm, chỉ cần dĩa lịch xào và chai rượu gạo cùng vài người bạn ngồi lai rai không còn gì bằng.

< Cháo lịch không chỉ ngon mà còn bổ dưỡng.

Với món lịch nấu canh chua tuy dân dã, nhưng hương vị không lẫn so các món nấu chua khác. Bắt chảo dầu nóng, phi hành cho thơm, đổ lịch cắt khúc đã thấm gia vị vào um, sau đó cho măng vào tiếp tục đun nhỏ lửa. Dạo quanh vườn nhà tìm mớ khế, rau húng cay, ngò gai, ngò ôm… Chỉ cần rửa sạch rau cắt nhỏ và dùng cán dao dần cho khế dập đi. Khi nồi canh vừa chín tới thêm khế, rau thơm vào. Múc ra tô rắc ít tiêu bột.

Nói đến các món ăn từ lịch mà không kể đến món cháo thì thật là thiếu sót. Luộc lịch cho mềm, vớt ra gỡ lấy thịt hoặc cắt khúc nhỏ um với gia vị. Đổ lịch vào nồi cháo rồi để lửa liu riu cho gạo chín nhừ, thỉnh thoảng khuấy cháo để tránh bị dính đáy nồi gây khê. Nhìn nồi cháo lịch bốc mùi thơm phức ngon tới lịm cả người, chỉ muốn bưng bát thưởng thức ngay. Thú ăn cháo lịch là ăn lúc còn bốc khói thơm lừng, kèm thêm ít loại rau thơm, đặc biệt bỏ tiêu thật cay để vừa ăn vừa hít hà.

Theo Thanh Ly (Báo Tuổi Trẻ)
Du lịch, GO!

Chia sẻ bài này

Xem thêm

Nhớ món lịch mùa lụt
4/ 5
Oleh
Loading...