Giải thích vài địa danh ở Bình Thuận

(BBT) - Khách du lịch đến với Bình Thuận lâu nay chỉ biết nơi đây là một vùng biển đẹp, hoang sơ, lãng mạn với những khu resort, nghỉ dưỡng Mũi Né, Hòn Rơm, Khê Gà, La Gi… Tuy vậy có những địa danh tiềm ẩn sự tích ly kỳ mà trong chữ viết vẫn còn nhiều bất cập dẫn đến sự giải thích khác nhau.

Sẽ không mấy thỏa đáng với một số bài báo, tư liệu giới thiệu danh lam thắng cảnh du lịch Bình Thuận vì những thiếu sót khi đề cập đến các địa danh hoặc chỉ căn cứ theo cách gọi dân gian để suy luận. Về ngọn hải đăng Khe Gà trên Wikipedia cho là vì mũi đất nhô ra giống đầu con gà nên gọi là Kê Gà! Thật ra đảo nhỏ khoảng 5 ha này là một phần đất tách rời từ núi Cẩm Kê mà trong sách Đại Nam nhất thống chí ghi là Kê Dữ (tức Đảo Gà) do có đàn gà rừng với màu lông sặc sỡ sống bên khe suối có dòng (khe) nước ngọt chảy ra biển.

< Từ núi Tà Cú nhìn về hướng biển.

Nói về thắng cảnh chùa núi Tà Cú, nhiều tài liệu liên quan chưa bao giờ gọi chùa Long Đoàn (chùa Dưới) là Linh Sơn Long Đoàn. Tập lược sử Tổ Hữu Đức do Hòa thượng Thích Hương Từ viết năm 1964 ghi rất rõ, thời vua Tự Đức thứ 33, gặp lúc Hoàng Thái hậu (mẹ vua) lâm trọng bệnh nhưng các ngự y tài giỏi đều không chữa được, sau khi được vua hạ chiếu sai sứ rước Tổ Hữu Đức nhưng Tổ chỉ trao các chú chuẩn đề và Hoàng Thái hậu uống mà lành bệnh.

Tạ ơn Tổ, vua Tự Đức ân tứ 4 chữ Linh Sơn Trường Thọ đặt tên cho ngôi chùa mà Tổ Hữu Đức tạo dựng và trụ trì. Cho nên chùa Linh Sơn Trường Thọ còn gọi là chùa Tổ, chùa Trên. Đến khi Tổ Hữu Đức viên tịch thì có sự thay đổi. Sư Tâm Hiền đứng ra lập một ngôi chùa mới nằm bên kia con suối, sau này gọi là chùa Dưới tức chùa Long Đoàn. Như vậy chữ Linh Sơn Trường Thọ có nghĩa là chùa Tổ, chùa Trên và khá lâu sau mới có chùa Long Đoàn. Dulichgo

< Hòn Bà tại La Gi.

Còn di tích Hòn Bà ở La Gi không có ai chứng minh được tượng nữ thần Thiên Y A Na do các nghệ nhân Chăm tạc từ khối đá tự nhiên tại chỗ. Thật ra đây là khối đá có hình tượng bán thân của một nữ nhân và trực tiếp thờ cúng là ngư dân địa phương gắn với tổ chức các dinh vạn Tân Long, Phước Lộc. Hòn Bà có truyền thuyết riêng với câu chuyện tình đầy tính sử thi nhưng vốn ảnh hưởng mật thiết với tín ngưỡng dân gian vùng biển miền Trung nên cả hai dòng tín ngưỡng Việt – Chăm gặp nhau ở hình tượng Bà Chúa Ngọc, trở thành nguồn phép an lành cho ngư dân với cuộc sống phải đối mặt trước bao bất trắc, hiểm nguy.

Không những thế mà các văn bản hành chánh cũng định hình hóa các địa danh không đúng ý nghĩa xuất xứ nguồn gốc để rồi tiếp tục tồn tại mà không giải thích được. Có lúc các địa danh Tà Dôn, Tà Cú được viết rất Tây là Tazôn, Takou… nhưng thật ra ngữ âm xưa nay chỉ được hình thành qua quá trình tiếp xúc giữa các dân tộc trên vùng đất này và chuyển thành cách viết chữ Việt.

< Cảng cá Phú Hài, phía sau là tháp Chăm Pôshanư và Lầu Ông Hoàng trên đỉnh đồi.

Địa danh Phú Hài (Phan Thiết) nơi có cụm tháp Chăm Pôshanư trên dải đồi Lầu Ông Hoàng là phần đất cao mà xa xưa trung tâm thành phố Phan Thiết còn là một vùng trũng nước biển, dân cư người Chăm ở đó nên có tên gọi Phố Hời. Do cách đọc biến âm hoặc tránh nói đến chữ Hời (Chàm) nên từ Phố trở thành Phú, Hời trở thành Hài…

Tương tự dân địa phương nói sớm mơi ra sớm mai, rồi thành rầu, tôi thành tui… nhưng có lúc, để chỉ về một làng biển thịnh vượng nên Phú Hài thành Phú Hải! Đây cũng là một cách giải thích. Với Khe Gà, Khê Gà, Kê Gà (Hàm Thuận Nam) xuất phát từ sự miêu tả một dòng suối (khe, khê) chảy từ núi Cẩm Kê ra biển có đàn gà (kê) rừng thường ra uống nước, tất nhiên phải khác với ngữ nghĩa Kê Gà như cách dùng trên các văn bản hành chánh hiện nay.

< Khe Gà.

Cách giải thích có lẽ hợp lý hơn là do từ cách ghi chép trên bản đồ hải trình thời Pháp thuộc ghi Mũi hải đăng Kéga nên đọc thành Kê… để rồi Kê có nghĩa là Gà! Cách đó khoảng ba cây số cũng có một con suối lớn hơn chảy ra biển Tân Thành có tên Khe Cả mà trong sách Đại Nam nhất thống chí gọi là Đại Khê để thấy rằng cùng một địa bàn đều sử dụng từ Khe (Việt), hoặc Khê (Hán) dựa theo địa hình thiên nhiên.

Như vậy chỉ có Khe hoặc Khê chứ không thể là Kê và cách viết Khe Gà là đúng hơn. Tương tự, Ngảnh Tam Tân (La Gi) với từ “ngảnh” đi theo địa danh Tam Tân là khá hiếm trong cách gọi địa danh và Ngảnh ở đây là chỉ địa hình thiên nhiên, phát âm biến đổi từ ngoảnh lại- xoay lại. Nhưng cũng có thể là Gãnh theo cách đọc của người Nam bộ, nói đến một giồng đất cao thường có ở bờ biển do phù sa bồi dần (có đề cập trong Đại Nam Quấc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của).

< Núi Tà Zôn.

Ở Bến Tre có Gãnh Mù U còn gọi là Bạch Mai Châu. Có thể Ngảnh Tam Tân nằm trong trường hợp đó. Lác đác trên những địa danh được ghi tên cầu, đường còn nhiều vấn đề không theo một phương thức nào cả. Sông Bà Giêng viết thành Sông Giêng (Hàm Tân), cầu Cây Chanh thành cầu Tranh (La Gi), cầu Kiều thành cầu Cô Kiều), Cầu Quan lúc thì cầu Quang, núi Bà Đặng thành Tà Đặng (Tân Thành)...
Nhiều địa danh mới xuất hiện nghiễm nhiên là những địa danh hành chánh không có mối quan hệ nào tới lịch sử, địa lý, thiên nhiên của một vùng đất mà chỉ theo “phương ngữ” hoặc địa danh chỉ hình thành trong một giai đoạn nhất định, thậm chí không nên duy trì dù rằng đã nằm lòng với cách gọi của người dân địa phương.

Đó là vấn đề cần phải được nghiên cứu đầy đủ và thuộc chức năng của cơ quan hành chánh quản lý nhà nước cùng việc chỉ đạo, xây dựng văn bản và đặt tên xã, phường cho phù hợp và có mối quan hệ với lịch sử, địa lý của địa phương. Kể cả yêu cầu quảng bá tiềm năng du lịch là cần thiết nhưng các vấn đề thuộc về lịch sử, văn hóa cũng cần đạt được tính khoa học, giá trị nhân văn, có cơ sở thực tiễn thì bao giờ cũng mang lại sức thuyết phục cao hơn.

Theo Phan Chính (Báo Bình Thuận), ảnh sưu tầm
Du lịch, GO!

Chia sẻ bài này

Xem thêm

Giải thích vài địa danh ở Bình Thuận
4/ 5
Oleh
Loading...