Sông Tiên nước chảy ngược dòng
Ai ơi tới đó cho lòng vấn vương.
Vấn vương không chỉ bởi nơi đây là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, truyền thống cách mạng, là địa bàn xung yếu trong các phong trào yêu nước của các sĩ phu đất Quảng, mảnh đất của cách mạng Quảng Nam và khu V qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ xâm lược... mà vấn vương bởi vùng quê vốn nghèo khó ấy đã sinh ra và nuôi dưỡng các bậc đại khoa, các nhà chí sĩ cách mạng hết lòng vì nước thương dân. Những con người bình thường, dung dị, chân chất nhưng rất đỗi khẳng khái, kiêu hùng trước mọi sức mạnh đối kháng, những con người đã tạc nên lòng tự hào, tự tôn của bao thế hệ người dân Tiên Phước.
Chạm mặt Tiên Phước hôm nay, ắt hẳn du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng bởi vẻ đẹp thiên nhiên và diện mạo đổi thay của vùng nông thôn mới, hứa hẹn là điểm dừng lý tưởng cho bước chân du khách. Điều đầu tiên đập vào mắt du khách là hình ảnh những cánh đồng bậc thang chấp chới cánh cò giữa miên man đồi núi.
Trên bức tranh thiên nhiên hiền hòa ấy, những vườn đồi, vườn nhà hiện lên như những nốt nhấn sinh động. Có thể nói, miệt vườn vùng trung du Tiên Phước là một trong những nét độc đáo của vùng quê này so với các nơi khác.
Phần lớn những vườn cây ăn trái ở xứ Tiên tỏa bóng trên những vườn nhà bao phủ xóm làng. Và trong những khu vườn ấy, người dân trồng rất nhiều loại cây, tạo thành một thảm thực vật thu nhỏ ngay trong chính tổ ấm của mình.
Vườn ở Tiên Phước gồm nhiều chủng loại cây trái đặc trưng của xứ Quảng như bòn bon, thanh trà, măng cụt, hồ tiêu, cau, quế... Những lúc vào mùa, du khách đến đây sẽ vừa được tham quan vườn cảnh vừa được thưởng thức dư vị ngọt ngào của cây trái. Tiên Phước còn là quê hương của những thắng cảnh đẹp.
Đến Tiên Phước để một lần được đắm mình trong dòng chảy lạ kỳ của dòng sông Tiên miền man chảy ngược, thắm xanh bao bờ bãi. Từ Lò Thung, ngược dòng qua thị trấn Tiên Kỳ ghé về làng Hội An, Tiên Châu, du khách vừa được thăm thú các ngôi nhà cổ độc đáo vừa chiêm ngưỡng màu xanh bao la của rừng thông caribe lẫn trong tiếng vi vu của gió ngàn, tiếng thác chảy xa xa...
Tuy nhiên, điểm du lịch độc đáo nhất của Tiên Phước là không gian văn hóa làng cổ Lộc Yên, cách thị trấn huyện lỵ chỉ hơn 15 phút ô-tô. Chỉ một lần, một khoảnh khắc thực sự sống trong không gian ấy chúng ta sẽ cảm nhận được dư âm mặn mà, tha thiết của một vùng đất còn chứa đựng trong nó bóng hình của quá khứ. Đó là vẻ đẹp của những lối đi, vách ngõ, tầng bậc trong vườn như được “cắt tỉa” từ đá. Đá phẳng phiu, tự tại phơi sương với trăng gió núi ngàn đủ sức viết nên những cung trầm sâu lắng, mãnh liệt.
Không chỉ ở Lộc Yên (Tiên Cảnh), Hội An (Tiên Châu) mà rải rác ở các làng quê Tiên Mỹ, Tiên Hiệp, ta vẫn có thể bắt gặp những ngôi nhà cổ độc đáo về không gian kiến trúc và tinh xảo trong nghệ thuật chạm trổ từ gỗ mít vườn. Bàn tay tài hoa của các nghệ nhân phường mộc Vân Hà đã thổi hồn vào từng thớ gỗ, biến những cấu kiện thô cứng ấy trở thành những tác phẩm nghệ thuật sống động, tinh anh.
Có thể nói người dân Tiên Phước gìn giữ những ngôi nhà cổ như gìn giữ một cái gì đó rất thiêng liêng chứ hoàn toàn không chỉ giá trị vật thể.
Cụ Nguyễn Huỳnh Anh (chủ nhân một ngôi nhà cổ tại làng Lộc Yên - Tiên Cảnh) đã từng 2 lần từ chối lời đề nghị mua nhà của Tổng thống chế độ Sài Gòn cũ với giá cao “ngất ngưỡng” - hành xử đó của cụ là gì nếu không nói là vẻ đẹp trong văn hóa ứng xử của người dân Tiên Phước.
Người dân Lộc Yên còn lưu giữ khá nguyên vẹn 8 ngôi nhà cổ đẹp và tinh xảo, cùng với nó là những vật dụng đẹp mắt và bí ẩn như chiếc bàn xoay nổi tiếng...
Tiên Phước, mảnh đất phía Tây xứ Quảng tự hào là nơi sinh ra và lớn lên của nhà chí sĩ cách mạng, Quyền Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - cụ Huỳnh Thúc Kháng.
Ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi tọa lạc tại làng Thanh Bình nơi cụ Huỳnh từng sinh sống đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia. Cũng chính tại nơi đây đã diễn ra cuộc gặp gỡ lịch sử giữa 3 nhà ái quốc Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Phan Bội Châu luận bàn con đường cứu nước.
Nhìn lại những di vật, di ảnh, bút tích và những tư liệu một thời gắn bó với nhà cách mạng, lòng người không thôi suy tưởng về cuộc đời của nhà báo- nhà văn- nhà yêu nước. Thành kính thắp một nén nhang tưởng nhớ, tri ân bậc tiền bối hết lòng vì nước, vì dân để thấy lòng mình được thảnh thơi, tạm quên đi những tất bậc của cuộc sống, âu cũng là việc nên làm...
Đến Tiên Phước để được tắm mình trong không gian êm ả của làng quê, trải lòng cùng với cái chơi vơi của núi rừng, với mênh mông bát ngát giữa vô tận ruộng đồng, để cảm nhận cái nồng say của tình đất, tình người. Bấy nhiêu đó thôi cũng đủ để quyến rũ bước chân du khách.
Tuy nhiên, những tiềm năng du lịch Tiên Phước vẫn chưa được đánh thức, những cuộc thăm thú của du khách đến với vùng đất này vẫn còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát, so với những gì Tiên Phước đáng phải có. Người dân nơi đây vẫn hồn hậu, đon đả tiếp khách với tất cả những sản vật sẵn có mà không hề biết đến một khoản phí dịch vụ nào.
Được biết đến nay, Tiên Phước đã thực hiện thành công đề tài khoa học “Thực trạng và giải pháp bảo tồn phát huy giá trị không gian văn hóa nhà cổ Lộc Yên, Quảng Nam”; Xây dựng Đề án bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, danh thắng giai đoạn 2011- 2020; Hoàn thành Quy hoạch phát triển Du lịch huyện Tiên Phước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; ngành chức năng ở huyện cũng đã tổ chức sưu tầm vốn văn nghệ dân gian, hiện vật văn hóa dân gian, lịch sử cách mạng...
Đây là những cơ sở bước đầu để Tiên Phước có thể “biến di sản thành tài sản”, biến tiềm năng thành lợi ích vật chất. Hy vọng tương lai không xa, du lịch xứ Tiên sẽ trở mình thức giấc, dang tay mời gọi khách thập phương.
Theo Kim Thiện (CAND TP Đà Nẳng)
Du lịch, GO!
Chia sẻ bài này
Tiên Phước - những tiềm năng du lịch
4/
5
Oleh
Unknown