Ai còn nhớ chợ quê ngày Tết?

Thấm thoát mà tháng Chạp cũng đã sắp qua, kéo năm mới tới thật gần. Một cái Tết nữa lại đến, phố phường tấp nập, siêu thị ngập tràn các mặt hàng Tết nhưng đâu đó tại các làng quê, phiên chợ Tết vẫn mang phong vị riêng, gợi hồi ức của một thời đã xa.

Ai đã từng sinh ra và lớn lên ở làng quê, dù đi xa, sinh sống ở nơi nào cũng không thể quên cây đa, bến nước, sân đình, ngõ xóm và không khí chợ Tết quê hương mỗi độ xuân về. Chợ bán thực phẩm Tết rục rịch từ giữa tháng Chạp nhưng chỉ bắt đầu từ ngày hăm ba âm lịch, khi ông Công ông Táo cưỡi cá chép về chầu trời thì chợ Tết mới bắt đầu đông đúc. Không khí Tết chợ quê khác hẳn chợ thành phố. Dẫu thời đại mới kéo theo đủ thứ hàng hóa của thời đại công nghiệp rượu bia bánh kẹo đồ hộp về thôn quê, những sản phẩm của người nông dân làm ra vẫn không thể thiếu, góp phần làm nên sự độc đáo của chợ quê. Các mặt hàng buôn bán ở chợ Tết miền quê chủ yếu là "của nhà trồng được". Đôi quanh gánh nhiều khi chỉ là vài củ su hào, mấy mớ mùi thơm hay nải chuối xanh, quả cau quả bưởi đều được người nông dân mang ra chợ. Sản phẩm bán ra cũng vì thế mà rẻ hơn nhiều so với chợ ngoài thành phố.
Tranh miêu tả cảnh chợ quê ngày Tết. (sưu tầm từ internet)
Đến chợ Tết miền quê, người ta ngỡ như đang dự phiên chợ từ đầu thế kỉ trước. Những bà cụ răng đen, mồm bỏm bẻm nhai trầu, mời chào những tiếng rao đã không còn nghe thấy trong cuộc sống hiện đại. Đối với trẻ em các miền quê, hoặc người lớn đã từng trải qua kí ức tuổi thơ nơi ven đô, chợ Tết là điều đáng mong mỏi hơn cả. Theo mẹ đi chợ Tết để được ăn quà thỏa thích, để được cái kẹo bông hay quả bóng bay đỏ chót. Dù không chủ ý mua gì, nhiều người vẫn thích ra chợ để cảm nhận được không khí Tết. Người đi chợ, người chơi chợ, nô nức như đi trảy hội.
Trẻ theo mẹ đi chợ Tết để được ăn quà thỏa thích, để được cái kẹo bông hay quả bóng bay đỏ chót. Ảnh: Tuoitre 
Phụ nữ đi chợ Tết chủ yếu vẫn là mua thực phẩm dự trữ cho gia đình trong kì nghỉ Tết dài. Dù ngày nay bánh chưng được bán sẵn nhiều, cũng được gói quanh năm nhưng lá dong hay lạt buộc vẫn là những món hàng gọi riêng vụ Tết. Những chiếc lạt tre óng ánh trắng phau được tước tỉ mỉ, những tàu lá xanh mướt mỡ màng tự tay các bà các cô chọn lựa cẩn thận mới thấy chiếc bánh chưng được trân trọng trong nếp sống người làng quê như thế nào.

Lại cả cô hàng chuối, trong chợ Tết chắc góc hàng của cô là đông đúc hơn hẳn các quầy hoa quả khác. Bàn thờ gia tiên ngày Tết không thể thiếu nải chuối nên ai cũng muốn mua được cho gia đình những nải căng đẹp, quả đều nhất. Cũng vì những tín ngưỡng may mắn mà chuối thường được đặt hàng từ rất sớm, người tỉ mỉ còn muốn bảo đảm số lượng quả mỗi nải, những mong tài lộc cát khánh từ đầu năm.

Đi chợ Tết thành phố, tìm đâu ra cái bu nhốt gà, mấy chú gà trống, ả gà mái ngóc đầu ngó ngiêng như cảnh chợ quê. Không sinh sống ở chốn thành thị, người nhà quê chẳng ngại làm gà nên thường chọn mua những con gà còn sống khỏe, cũng do chính người dân địa phương tự nuôi rồi đem ra chợ bán, chẳng lấy đâu "gà bẩn" hay "gà không rõ nguồn gốc xuất xứ". Người bán, người mua cứ hỉ hả hỏi chuyện nhau, từ chuyện con gà lại bàn ra chuyện sắm sửa Tết nhất "nhà bác, nhà em". Vui biết chừng nào.

Những nhà nào không "đụng lợn" (Tục ngả chung lợn ăn Tết giữa nhiều nhà trong làng, trong xóm ở nhiều vùng quê), chợ Tết cũng là thời điểm tìm mua những miếng thịt ngon nhất để dành cho cả mấy ngày sum vầy tiếp theo. Miếng thịt lợn quê sao dẻo thơm, mỏng thịt và chắc ngọt.

Chợ quê cuối năm không chỉ có người mua vui mà người bán cũng vui. Chẳng lúc nào cảnh người buôn kẻ bán, tuy đông đúc mà chẳng nặng tính xô bồ như chợ Tết. Người làng mong, người xa nhớ, mỗi năm chợ quê chỉ vui nhất những ngày này...

Theo T.H (Depplus.vn/MASK)

Chia sẻ bài này

Xem thêm

Ai còn nhớ chợ quê ngày Tết?
4/ 5
Oleh
Loading...