Du lịch mạo hiểm Việt Nam sẽ thay đổi gì sau một năm nhiều 'rủi ro'?

Du lịch mạo hiểm tuy hết sức quen thuộc trên thế giới, nhưng ở Việt Nam vẫn được xem là loại hình du lịch khá mới mẻ. Với những cái tên gọi tương đối thân quen như phượt vùng cao, chèo thuyền kayak, trượt thác, trekking, lặn biển..., gần đây có thêm flyboard, motorbike offroad, nhảy dù, dù lượn... được thực hiện tự phát hoặc manh nha bởi các đơn vị lữ hành có yếu tố nước ngoài. Chính vì vậy, những rủi ro đã liên tiếp xảy ra gây lên cái nhìn sai lầm và thiếu thiện cảm về du lịch mạo hiểm.


Những trò chơi thể thao và mạo hiểm xuất hiện ngày càng nhiều - Ảnh mang tính minh họa
Du lịch mạo hiểm tại nhiều quốc gia trên thế giới từ lâu được coi là “con cưng” của “ngành công nghiệp không khói” bởi nguồn lợi nhuận không hề nhỏ và sức hút mạnh mẽ đối với du khách. Pháp là một thí dụ điển hình trong phát triển loại hình du lịch này. Từ những năm 90 của thế kỷ 20, họ đã tổ chức thường niên chương trình du lịch thể thao mạo hiểm nổi tiếng toàn cầu mang tên “Raid Gauloises” đem lại nguồn thu lên tới hàng chục triệu USD mỗi năm. Với tiềm năng lớn, phát triển du lịch mạo hiểm được coi như bước đi cần thiết để đa dạng hóa sản phẩm cũng như nâng cao giá trị kinh tế của du lịch Việt Nam.

Một trong những đặc trưng của các hoạt động du lịch là tính độc đáo, đặc sắc giúp người tham gia thỏa mãn tâm lý “hướng tới điều mới lạ”. Nên không khó hiểu khi du lịch mạo hiểm lại hấp dẫn du khách bởi tính cảm hứng, sự mạnh mẽ sinh tồn và quyết tâm vượt qua thử thách. Ðó là vấn đề khi năm qua Việt Nam liên tiếp vấp phải những cú “ngã ngựa” trong du lịch mạo hiểm, may mắn có, nhưng rất không may cũng đã có.

An toàn như "cưỡi ngựa xem hoa"
Thực tế chứng minh, rủi ro trong du lịch thể thao mạo hiểm rất dễ xảy ra. Một tai nạn ngày 22-2 ở Ðồng Nai được coi là lời cảnh báo rõ rệt nhất sau hàng loạt các vụ việc đáng báo động liên quan đến du lịch mạo hiểm. Nữ du khách chơi trò đu dây qua sông tại một khu du lịch ở Nhơn Trạch (Ðồng Nai) đã bị đứt dây cáp rơi xuống nước và chết do ngạt thở. Trước đó, tháng 7-2013, dư luận xã hội từng xôn xao về vụ mất tích của một sinh viên 20 tuổi khi đang tham gia chuyến leo núi chinh phục đỉnh Phan-xi-păng ở Lào Cai. Cũng cách đó không lâu, giới “phượt tử” từng kháo nhau về một khách du lịch nước ngoài tự thuê xe máy khám phá vùng Tây Bắc và mất tích. Sau một thời gian dài, người ta mới phát hiện xác và xe của người này ở một vùng sạt lở… Có lẽ, may mắn nhất là nhóm thanh niên “quyết” phiêu lưu bằng xuồng cao-su ra Côn Ðảo khi ba trong bốn người không hề biết bơi. Chỉ đến khi thuyền cập bến, những thanh niên đó mới biết là mình may mắn còn sống trong trò mạo hiểm “điên rồ” này…

Hai chữ "an toàn" bị xem nhẹ như "cưỡi ngựa xem hoa" từ cả bản thân những vị khách đến các đơn vị quản lý lữ hành. Nữ du khách ở Ðồng Nai đáng lẽ có nhiều cơ hội được cứu sống nếu đội ngũ cứu hộ, y tế của khu du lịch có mặt ngay lập tức thay vì phải chờ đợi tới 20 phút, mặc dù chỗ xảy ra tai nạn chỉ cách bờ vài chục mét với một lý do “ngớ ngẩn”: không kịp khởi động ca-nô cứu hộ. Hay như chàng sinh viên mê leo núi Phan-xi-păng nếu được nhà làm tour khuyến cáo nghiêm túc và quản lý chặt chẽ trên hành trình thì có thể không xảy ra vụ mất tích đáng buồn.

Ðể tổ chức các tour du lịch mạo hiểm đòi hỏi tính chuyên nghiệp vì nó liên quan trực tiếp đến sự an toàn của du khách. Trong khi các doanh nghiệp lữ hành ở Việt Nam hầu hết đang làm theo dạng tự phát. Họ tự mua bảo hiểm và bảo đảm an toàn cho khách chỉ qua các hướng dẫn viên có kinh nghiệm hoặc chuyên gia hay huấn luyện viên nước ngoài. Nói như vậy, các hướng dẫn viên có kinh nghiệm hay chuyên gia nước ngoài trên là “chiếc áo phao” duy nhất được dùng cho sự an toàn của du khách. Còn việc “kinh nghiệm” ra sao thì chẳng ai kiểm định được…

Quản lý ra sao, tham gia thế nào?
Rõ ràng những vấn đề đặt ra ở trên đòi hỏi ngành du lịch, người du lịch phải sớm tìm ra phương án nhằm cải thiện du lịch mạo hiểm hiện trạng báo động sang một nấc thang mới đáng yên tâm hơn.

Có lẽ chúng ta đã đi sau, chúng ta nên học tập kinh nghiệm của những nước đã phát triển thành công du lịch thể thao mạo hiểm. Ở những nước như: Nhật Bản, Pháp, hay Mỹ,… du lịch mạo hiểm được đào tạo nhân lực rất bài bản, cấp giấy phép và quản lý khu vực tổ chức sản phẩm có đồng bộ, trong đó hệ thống an toàn và cứu hộ là yếu tố buộc phải theo các tiêu chuẩn khắt khe nhất.

Các nước cũng có những hiệp hội điều hành và kiểm soát chặt chẽ hoạt động của thành viên tổ chức du lịch mạo hiểm. Các hiệp hội này còn đảm nhận trách nhiệm đánh giá, huấn luyện và hướng dẫn nhân lực mới, cũng như cung cấp thông tin hữu ích, quảng bá giới thiệu sản phẩm. Kiểm tra người tham gia rồi kiểm định chất lượng an toàn của hệ thống thiết bị được sử dụng trong các trò chơi mạo hiểm, tất cả đều phải chuẩn xác.

Ở môi trường tiềm năng như Việt Nam, không thể thiếu những nhóm khảo sát địa hình chuyên nghiệp, đội hậu cần tốt và phải luôn luôn giữ liên lạc trong mọi điều kiện. Thậm chí với lượng khách tham gia ngày càng tăng mạnh, họ rất cần những đội ngũ hướng dẫn viên du lịch mạo hiểm vừa có sức khỏe, có nghiệp vụ, kỹ năng, vừa thông thạo ngoại ngữ. Đó là những người làm nhiệm vụ cầu nối giữa quản lý du lịch với du khách, sự "kiện toàn" đội ngũ đó nằm trong tay cơ quan đào tạo và thanh tra.

Người du lịch mạo hiểm ở Việt Nam chủ yếu là người trẻ tuổi, điều đó quá hiển nhiên bởi chính ngành du lịch "kì quặc" này vốn ra đời để thỏa mãn đam mê và khát khao vượt qua các thử thách. Rủi ro là cái tự bản thân mỗi người cần nhận thức, để tránh thay vì gan dạ mà bị ảo tưởng về khả năng nội tại. Họ buộc phải tự trau dồi kiến thức, kỹ năng riêng, và được thẩm định bởi các đơn vị uy tín trước những cuộc chơi. Xã hội mạng đang phủ sóng nhất nhanh vào đời sống giới trẻ, vài cộng đồng khoe khoang và GATO nhau thì rất dễ, nhưng quá thiếu những trang thông tin, những diễn đàn "chuẩn" để giúp đỡ nhóm vị khách "hiếu động" này, họ cần những fanpage cất lượng hơn, những chia sẻ thực tế một cách ân cần hơn.

Dường như, đòi "chuẩn" trên một loại hình nghe đã thấy "không chuẩn" là điều khó khăn. Nhưng chính vì Việt Nam đang ở những bước đi chưa vững vàng trên chặng đường nhiều tiềm năng của du lịch mạo hiểm, nên để khai thác hiệu quả, hoặc chí ít là qua đi một năm nhiều "giông tố" và năm mới phải hứa hẹn loại trừ tối đa tai nạn, cả một cộng đồng du lịch đều cần thái độ nghiêm khắc hơn.

Theo Depplus

Chia sẻ bài này

Xem thêm

Du lịch mạo hiểm Việt Nam sẽ thay đổi gì sau một năm nhiều 'rủi ro'?
4/ 5
Oleh
Loading...