Làng bánh tráng Tân An tất bật vào vụ Tết

Ở vùng bắc Quảng Bình, nhắc đến bánh tráng không ai không biết bánh Tân An, nhưng ngọn nguồn nó thì ít người biết, ngay cả những người làm bánh có tiếng ở trong làng. Hầu như họ chỉ biết chung chung là nghề có từ lâu, cách nay cũng cả trăm năm...

Nằm phía tả ngạn sông Gianh, làng Tân An (xã Quảng Thanh) xưa có tên gọi là phường Lộc Điền cũng có khi gọi là phường bún. Bởi vì người dân trong làng từ bao đời nay chuyên làm nghề bún bánh, họ gắn bó với nghề từ buổi khai sinh lập làng. Tân An hiện có 4 xóm, dân số khoảng 1.400 nhân khẩu, với 300 hộ gia đình. Sản phẩm bánh tráng mè xát của làng nổi tiếng bởi vị ngon và bản sắc riêng...
Cụ bà Cao Thị Hường, đã có 60 năm tuổi nghề làm bánh tráng mè xát, có 8 người con thì 6 người nối nghề mẹ.
Ngay từ đầu tháng 11 âm lịch, làng bánh tráng Tân An bắt đầu vào vụ làm bánh lớn nhất trong năm để phục vụ Tết Nguyên đán 2015. Ngày thường chỉ có một vài lò đỏ lửa thường xuyên, nhưng những tháng cuối năm, trong làng có hơn 200 lò đỏ lửa suốt ngày đêm mới có thể sản xuất đủ lượng bánh giao cho khách đặt hàng.

Cuối năm là mùa cao điểm của làng bánh tráng Tân An
Không ai biết chính xác nghề làm bánh tráng ở Tân An có từ khi nào. Theo những vị cao niên trong xã, nghề này đã có cách đây mấy trăm năm. Mới đầu chỉ có vài hộ làm bánh. Sau đó, do chất lượng bánh ngon, các tỉnh lân cận như Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế... tìm đến mua và xuất khẩu cả sang Lào nên các lò bánh ngày càng mọc lên nhiều và phát triển mạnh.

Bánh được người dân phơi đầy các ngõ ngách của làng.
Đến Tân An vào những ngày này sẽ thấy không khí Tết dường như đến sớm hơn. Từ hai tháng trước tết, nhà nhà đã tất bật đắp lò, đan vĩ, làm giàn phơi bánh. Những ngày này, hàng trăm lò bánh tráng ở đây hoạt động hết công suất, lượng đặt hàng nhiều nên các hộ dân bắt đầu nổi lửa từ lúc 12 giờ đêm tới chiều tối ngày hôm sau; mỗi ngày, các lò phải tráng hàng ngàn chiếc bánh mới đủ số lượng giao cho khách hàng. Tuy vất vả, nhưng mọi người luôn vui vẻ, nhà nào cũng đỏ lửa, nhân công làm việc luôn tay, lượng sản phẩm làm ra gấp mười lần so với ngày thường, vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu.

Trong những ngày này, lò bánh của ông Nguyễn Văn Xuyên có ít nhất 3 đến 4 người làm, người lo củi lửa, phơi sấy, người tráng bánh. Bình thường, nhà ông chỉ tráng chừng 1-2 tạ gạo/tháng, nhưng trong 3 tháng Tết, mỗi tháng phải làm đến 4-5 tạ, với khoảng 300 cái bánh khổ lớn, 500 bánh khổ nhỏ/ngày. Bánh khổ to hay nhỏ tùy khách hàng lựa chọn.

Ông Xuyên cho biết: Năm nay thời tiết thuận lợi, trời nắng nên bà con tranh thủ làm nhiều. Bánh ở đây được làm bằng loại gạo dẻo, thơm và không pha bột mì, nên sản phẩm làm ra đến đâu được tiêu thụ ngay đến đó. Bánh tráng Tân An hiện có mặt ở nhiều tỉnh và được khách hàng đánh giá cao.

Bánh tráng mè đen - Một trong những sản phẩm nổi tiếng của làng Tân An 
Sát cạnh nhà ông Xuyên, nhà bà Nguyễn Thị Đông cũng tất bật lo bánh Tết. Gia đình bà có thâm niên gần 20 năm làm bánh. Bà cho biết, trước đây có các con phụ giúp nên bà còn có chút thảnh thơi, giờ các con lấy chồng lấy vợ nên đến vụ bánh tết bà lại tất bật dậy từ khuya tới tối hôm sau để tráng bánh.

Theo bà Đông, để có chiếc bánh tráng ngon, người làm bánh phải hội đủ các kỹ thuật từ hấp, sấy cho đến quá trình phơi. Gỡ bánh cũng là một nghệ thuật, muốn chiếc bánh nguyên vẹn, không cong vênh, người phơi phải biết canh nắng để gỡ cho đúng lúc, sau đó xếp lại thành chục, rồi chằn cho phẳng mặt, trước khi giao hàng. Chính vì vậy dù trải qua bao thế hệ, bánh tráng Tân An hôm nay vẫn giữ nguyên hương vị đặc trưng.

Những dụng cụ cần có để làm bánh tráng ở Tân An chẳng khác gì so với những nơi khác. Vẫn là một chiếc lò đắp đất hoặc xây bằng gạch với 3 phần liên thông, một phần để đưa củi, nhóm lửa, phần kia là chiếc nồi nước lớn có căng lớp vải mỏng bên trên để tráng bánh và phần cuối cùng là ống khói. Cùng với đó là chiếc gáo tráng bột, chiếc đũa vớt bánh và những chiếc vĩ được đan bằng tre để phơi bánh ngoài nắng. Nguyên liệu chính làm bánh tráng là gạo tẻ ngâm rồi đem xay, sau đó lọc đi nước chua và pha với nước sao cho vừa, không loãng cũng không đặc quá. Để bánh thêm dai và không bị rách, cần pha thêm một chút muối với tỷ lệ hợp lý.
Bánh được phơi ngoài trời khi đã dán vào vĩ.
Ngoài ra, lửa cho lò tráng bánh cũng phải chú ý, không được lớn, chỉ được để liu riu mà thôi, tay tráng bánh phải nhanh, đều thì bánh mới tròn, mỏng. Để có được những chiếc bánh ngon, quan trọng là công đoạn chọn gạo và xay bột, phải chọn gạo ngon, xay bột phải thật mịn thì bánh mới dai và dẻo... Bánh tráng Tân An được ưa chuộng bởi chiếc bánh mịn đều, dẻo thơm, đặc biệt là rất đều, trăm chiếc như một.

Thời điểm hiện nay, bình quân một hộ tráng khoảng gần 1.000 bánh mỗi ngày. Điều này cho thấy, làng nghề bánh tráng Tân An đang trên đà phát triển. Tết năm nay, các đầu mối khắp nơi trong và ngoài huyện đặt hàng tăng cao hơn so với năm trước, do giá cả nguyên liệu đều tăng nên giá bán ra có cao hơn chút đỉnh nhưng thị trường vẫn hút hàng, nhà nào cũng tranh thủ huy động mọi thành viên, làm việc cật lực không kể giờ giấc, nhiều hộ phải thuê thêm người làm mới đủ sản phẩm giao cho khách hàng.

Trước kia, các hộ làm bánh tráng chủ yếu làm thủ công, phơi nắng mặt trời nên khi trời không nắng, người dân không thể làm bánh. Mấy năm nay, nhiều hộ làm bánh ở Tân An đã đầu tư lò sấy, tận dụng hơi nóng của lò tráng để sấy bánh. Nhờ vậy năng suất làm bánh tăng cao, tiết kiệm nhiên liệu; bánh lại thơm, chất lượng bánh được cải thiện đáng kể.
Với người miền Trung, ẩm thực thường không thể thiếu bánh tráng, nhất là các dịp lễ tết hội hè. Vì thế, Tân An thời điểm này đông đúc, rộn ràng hẳn, cả làng đang tập trung làm bánh phục vụ thị trường Tết. 

Không chỉ giúp cho nhiều hộ dân có thêm nguồn thu nhập, xóa đói giảm nghèo, làng nghề bánh tráng Tân An còn góp phần gìn giữ nghề truyền thống cha ông để lại.

Tổng hợp từ Báo Quảng Bình
Ảnh Trương Quang Nam

Chia sẻ bài này

Xem thêm

Làng bánh tráng Tân An tất bật vào vụ Tết
4/ 5
Oleh
Loading...