Những tình huống Triều Tiên có thể vung 'thanh gươm hạt nhân'

>> Kho vũ khí 154 tên lửa trên tàu ngầm Mỹ tới Triều Tiên
>> Sức mạnh khủng khiếp của tàu ngầm Mỹ áp sát Triều Tiên
>> Mỹ và các đồng minh chuẩn bị “liệu pháp sốc” đối phó với Triều Tiên


Trong những ngày qua, dù chịu sức ép rất lớn từ phía Mỹ và cả đồng minh Trung Quốc, Triều Tiên vẫn tuyên bố sẽ tiếp tục vụ thử hạt nhân lần thứ 6. Theo bình luận viên Ryan Pickrell của National Interest, quan điểm này của Triều Tiên xuất phát từ niềm tin của giới lãnh đạo cao nhất tại Bình Nhưỡng rằng vũ khí hạt nhân là thứ duy nhất có thể đảm bảo cho sự sống còn của đất nước.

Bình Nhưỡng từng tuyên bố họ không sợ bất cứ ai và sẽ đánh bại Mỹ cùng các đồng minh bằng "thanh gươm hạt nhân" của mình. Theo Pickrell, đằng sau tuyên bố mạnh mẽ này của Triều Tiên là nỗi lo sợ sâu sắc rằng họ sẽ bị Mỹ và các đối tác chiến lược hủy diệt vào một ngày nào đó. Đối mặt với tương lai bất định, Triều Tiên tin rằng giải pháp an toàn lâu dài duy nhất chính là phát triển vũ khí hạt nhân.

Với vị thế nhà lãnh đạo tối cao, ông Kim Jong-un là người quyết định Triều Tiên có tiến hành một vụ tấn công hạt nhân nhắm vào quốc gia khác hay không. "Tôi cho rằng Kim Jong-un sẽ nhấn nút nếu ông cho rằng quyền lực và chế độ của mình đang bị đe dọa", Thae Yong-ho, một quan chức Triều Tiên đào tẩu, nhận định. "Ông ấy có thể làm bất cứ điều gì".

"Từ quan điểm của Triều Tiên, họ tin rằng đang đối mặt với lực lượng quân sự và thế lực hạt nhân lớn nhất thế giới trong một cuộc xung đột tiềm tàng. Bởi vậy việc theo đuổi vũ khí hạt nhân là một biện pháp răn đe nhằm bù đắp cho vị thế yếu hơn về sức mạnh quân sự", Rodger Baker, phó chủ tịch viện phân tích chiến lược Stratfor, giải thích.

Tính toán của Bình Nhưỡng khi nắm "gươm báu hạt nhân" trong tay là nhằm "ngăn chặn việc Mỹ tập hợp lực lượng quanh Triều Tiên, bảo vệ quốc gia này khỏi số phận tương tự như Iraq", Joshua Pollack, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí James Martin thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury, nhận định.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ quyết vung lên thanh gươm này trong trường hợp một cuộc xung đột sắp xảy ra, hay thế lực bên ngoài nào đó gây ra mối đe dọa ngay lập tức cho sự sống còn của Triều Tiên. Quan điểm của các bên về điều kiện "vung gươm" này lại rất khác nhau, khiến việc đoán trước hành động của Triều Tiên là rất khó khăn.

"Chẳng hạn như chúng ta không biết rõ liệu Triều Tiên coi một cuộc không kích hạn chế vào cơ sở hạt nhân hay tên lửa của họ là một mối đe dọa tức thời hay không, biện pháp đáp trả ban đầu của họ có bằng các hệ thống vũ khí thông thường hay không", Baker bình luận.

"Tuy nhiên với sự chênh lệch lực lượng quân sự giữa Mỹ và Triều Tiên, ngay cả một cuộc không kích hạn chế của Mỹ cũng có thể bị Bình Nhưỡng coi là khởi đầu cho một chiến dịch quân sự lớn hơn, buộc họ phải nhanh chóng sử dụng vũ khí hạt nhân, nếu không muốn khả năng đáp trả của mình bị vô hiệu hóa", chuyên gia này nói.

Thời kỳ nguy hiểm nhất

Theo George Friedman, chủ tịch tổ chức phân tích quốc tế Geopolitical Futures, Triều Tiên phát triển chương trình hạt nhân để sử dụng nó như một công cụ để mặc cả, còn vũ khí hạt nhân sẽ là công cụ răn đe đắc lực đối với bất cứ thế lực nước ngoài nào tìm cách lật đổ chính phủ nước này.

Tuy nhiên giai đoạn nguy hiểm nhất mà Triều Tiên phải đối mặt chính là lúc họ sắp sở hữu một vũ khí hạt nhân đáng tin cậy, nhưng lại chưa đạt được đến thành quả ấy. Đây chính là lúc mà một cuộc tấn công phủ đầu của Mỹ và đồng minh nhiều khả năng diễn ra nhất.

Trong giai đoạn này, Triều Tiên không thể phản công bằng vũ khí hạt nhân. Việc Bình Nhưỡng cố ý phát đi những thông điệp rằng họ đang sở hữu vũ khí hạt nhân càng gia tăng tính cấp bách của một cuộc tấn công phủ đầu.

Một cuộc tấn công sẽ được Mỹ cân nhắc dựa trên mức độ nghiêm trọng của hậu quả mà đòn trả đũa của Triều Tiên sẽ gây ra bằng vũ khí hạt nhân. Trong trường hợp Mỹ cho rằng Triều Tiên chưa sở hữu vũ khí hạt nhân, quyết định sẽ dựa trên khả năng Bình Nhưỡng sắp chế tạo được vũ khí giết người hàng loạt đó.
Một tàu sân bay hạt nhân của hải quân Mỹ. Ảnh: USNI
Vấn đề nằm ở chỗ, tổng thống Mỹ sẽ phải dựa vào các thông tin tình báo để đánh giá xem Triều Tiên đã tiến gần tới vũ khí hạt nhân đến mức nào. Tình báo Mỹ không có nhiều thông tin để đưa ra nhận định chắc chắn, trong khi Tổng thống Donald Trump từng thể hiện sự ngờ vực đối với cộng đồng tình báo.

Mỹ cũng phải cân nhắc đến thiệt hại mà các hệ thống vũ khí phi hạt nhân, đặc biệt là hàng nghìn khẩu pháo tầm xa của Triều Tiên, có thể gây ra cho đồng minh Hàn Quốc trong trường hợp họ tung đòn tấn công phủ đầu. Triều Tiên đang sở hữu hơn 21.000 khẩu pháo các loại, có thể dội khoảng nửa triệu quả đạn xuống thủ đô Seoul của Hàn Quốc, biến đô thị sầm uất và đông dân bậc nhất nước này thành bình địa.

Theo Friedman, Triều Tiên biết rõ Mỹ sẽ không bao giờ đánh đổi đồng minh Hàn Quốc lấy chương trình vũ khí hạt nhân của nước này, bởi vậy họ vẫn sẽ quyết tâm phát triển chương trình vũ khí hạt nhân, bất chấp những lời đe dọa sử dụng vũ lực từ Washington.

Giới quan sát cho rằng với những lý do trên, các lãnh đạo thế giới sẽ phải đối mặt với câu hỏi hóc búa về vấn đề hạt nhân Triều Tiên trong nhiều thập kỷ tới, trong khi năng lực hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng sẽ được cải thiện từng ngày, dù khả năng nước này tung ra đòn tấn công đầu tiên là rất thấp.

"Hiện tại, không có biện pháp nào có thể kìm hãm được Triều Tiên tăng cường năng lực hạt nhân của mình", Jeffrey Lewis, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí James Martin thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury, nhấn mạnh. "Rõ ràng Bình Nhưỡng đã tìm ra cách để đảm bảo cả thế giới phải đàm phán với họ".

Theo Trí Dũng / vnexpress

Chia sẻ bài này

Xem thêm

Những tình huống Triều Tiên có thể vung 'thanh gươm hạt nhân'
4/ 5
Oleh
Loading...